Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi để phát triển đời sống

(Mặt trận) -Triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là Cuộc vận động) do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum phát động, Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, giúp người dân thay đổi trong trồng trọt, chăn nuôi, thói quen gìn giữ vệ sinh, bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Từ đó, làm cho đời sống người dân ngày càng cải thiện, khởi sắc.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cây ăn trái của anh Đào Văn Thủy phát triển rất tốt

Dù không phải là người địa phương, nhưng với thời gian công tác ở xã khá lâu, chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Pne hiểu rõ những hủ tục của người Ba Na nơi này đã ăn sâu vào tiềm thức của dân làng, cũng chính nó đã khiến người dân cứ quanh quẩn mãi với cái nghèo. Vì vậy, ngay từ khi triển khai, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xã đã ban hành quyết định thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các thôn trên địa bàn xã.

Chị Nguyệt cho biết, ở xã Đăk Pne, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại, gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân như cúng bái khi đau ốm, tổ chức ma chay kéo dài, nợ miệng… Để thay đổi, các thành viên trong Tổ giúp việc đã sâu sát cơ sở, can thiệp kịp thời khi ở các thôn, làng có đám tang để tang gia không tổ chức dài ngày, đồng thời, nhắc nhở người thân đang “nợ miệng” hạn chế mổ trâu, bò mang tới, thay vào đó hãy mang tiền đến trả lại. Cùng với đó, việc tuyên truyền người dân đến trạm y tế khám khi đau ốm thay vì cúng bái được các thành viên đẩy mạnh.

Bên cạnh đẩy lùi các hủ tục ảnh hưởng đến kinh tế, xã Đăk Pne còn triển khai nhiều cách làm, mô hình trong trồng trọt, giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, xác định lúa nước là cây trồng chủ lực của bà con, để người dân có thể đạt năng suất cao hơn trên cùng 1 diện tích, xã đã triển khai mô hình “Trồng và chăm sóc cây lúa nước” cho 45 hộ dân ở làng Đăk Pủi (thôn 1). Trong 45 hộ, xã sẽ lựa chọn 3 hộ khó khăn để hỗ trợ giống lúa, phân bón và tập huấn cho tất cả các thành viên tham gia mô hình để cùng xây dựng cánh đồng kiểu mẫu cho nhiều thôn, làng khác học theo.

Được sự vận động và hướng dẫn kỹ thuật tận tình từ cán bộ xã, chị Y Mem (dân tộc Ba Na, thôn 2) đã mạnh dạn trồng xen canh 120 cây mắc ca trên diện tích gần 1ha cà phê của gia đình. Đến nay, vườn cây đã bén rễ, cao hơn mặt người. Còn vườn cây ăn trái của anh Đào Văn Thủy (dân tộc Mường, thôn 2) khi được áp dụng khoa học kỹ thuật vào đã vươn mầm, xanh mướt trên đất đồi. Anh Thủy trồng 200 cây mít, 100 cây sầu riêng, 60 gốc dừa, đây là niềm hy vọng làm giàu của gia đình anh trong tương lai.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Thị Thanh Nguyệt cho biết: “Đến nay, người dân trên địa bàn xã đã trồng hơn 45ha mắc ca, cây ăn trái các loại. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vay các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bà con sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; vận động người dân tham gia vào hợp tác xã trong giao thương hàng hóa và các hoạt động khác, củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã”.

Bên cạnh việc giúp người dân thay đổi để phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Pne còn giúp người dân thay đổi thói quen giữ gìn vệ sinh chuồng trại, nhà cửa, thôn làng. Gia đình A Doang có truyền thống chăn nuôi bò từ lâu, nhưng chưa bao giờ có chuồng, chỉ cột tạm dưới gốc cây, hoặc thả rông trên rẫy. Để thay đổi theo vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh đã đầu tư 16 triệu đồng mua trụ bê tông, xi măng, tôn, kẽm, gạch và tận dụng một số cây bời lời có sẵn để xây dựng chuồng bò rộng khoảng 12m2. Gia đình anh A Doang là 1 trong 90 hộ chăn nuôi của xã có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện, Đăk Pne còn khoảng 60 hộ vẫn đang sử dụng chuồng trại thô sơ, gần nhà hoặc thả rông.

 Xã Đăk Pne vận động người dân trồng xen canh mắc ca, cây ăn trái để tăng thu nhập.

Bên cạnh chú trọng thay đổi thói quen trong chăn nuôi, chính quyền xã Đăk Pne xây dựng mô hình “Nhà vệ sinh bán tự hoại” ở làng Đăk Po (thôn 2) với 45 thành viên tham gia. Là một trong những hộ tiên phong tham gia và triển khai mô hình, chị Y Hồng cho biết: “Từ lâu, bà con ở đây không có thói quen làm nhà vệ sinh hoặc có làm cũng chỉ tạm bợ. Vào tháng 6/2021, xã bắt đầu tuyên truyền người dân làm nhà vệ sinh để bảo vệ môi trường và lựa chọn làng Đăk Po triển khai thí điểm.

Đến tháng 9/2021, được xã hỗ trợ cát, xi măng, gia đình tôi bỏ tiền mua thêm tôn và bồn cầu vệ sinh hết hơn 1 triệu đồng, tận dụng ván cũ, sau đó, nhờ hàng xóm đào hầm rồi xây dựng”. Đến nay, 45 hộ dân tham gia mô hình “Nhà vệ sinh bán tự hoại” đều đã có nhà vệ sinh riêng, nâng tổng số hộ có nhà vệ sinh đảm bảo lên 374/628 hộ, chiếm tỷ lệ 60%.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt bày tỏ: “Thấy mô hình được bà con hưởng ứng và thực hiện, là những người trực tiếp vận động, chúng tôi rất vui. Đây là động lực để trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này ở nhiều khu dân cư khác. Mặc khác, để chủ động thay đổi thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định của người dân, UBND xã đã triển khai lắp đặt 16 bi giếng làm bể chứa rác tại 16 điểm gần với khu sản xuất thuộc 4 thôn trên địa bàn. Cùng với đó, xã còn phối hợp với Tổ chức Plan bố trí 14 thùng rác nhựa tại những điểm đông dân cư để bà con dễ dàng vứt rác”.

Có thể thấy, với những cách làm, mô hình cụ thể, cùng sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân khi triển khai Cuộc vận động, đã có những khởi sắc trong việc làm thay đổi thói quen gìn giữ vệ sinh môi trường của người dân xã Đăk Pne. Mong rằng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ triển khai thêm nhiều mô hình hay để thay đổi thêm nhiều khía cạnh khác trong đời sống của đồng bào DTTS ở Đăk Pne.

Tùng Lâm