Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về pháp luật

(Mặt trận) -Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý (TGPL); đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS ở xã Tà Long, huyện Đakrông -Ảnh: N.T

Nội dung số 3, tiểu dự án 1, dự án 10 trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện liên quan tổ chức thực hiện. Trong đó, phối hợp Ban Dân tộc ban hành các văn bản chỉ đạo theo thẩm quyền về thực hiện công tác TGPL cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS, đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ này tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị cho việc đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ CCVC tham gia thực hiện chương trình đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Thực hiện nhiệm vụ Sở Tư pháp giao, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án, đối tượng tập trung TGPL gồm: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; người thực hiện TGPL và cán bộ các cơ quan liên quan.

Từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã tổ chức 3 đợt truyền thông về TGPL tại 6 xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa với 265 người DTTS tham gia. Ngoài ra, tham gia các đợt TGPL còn có đại diện UBND xã, công chức tư pháp hộ tịch xã. Nội dung các đợt truyền thông tập trung phổ biến các kiến thức, quy định về Luật Trợ giúp pháp lý; trình tự thủ tục yêu cầu TGPL, các giấy tờ chứng minh đối tượng TGPL; vai trò của trợ giúp viên trong hoạt động TGPL; thông tin về địa chỉ tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn.

Tổ chức 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật TGPL tại 10 xã ở Hướng Hóa với hơn 500 người tham gia, bao gồm các đối tượng người có uy tín trong cộng đồng như: bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư thôn, công an viên thôn, chi hội trưởng các hội, đoàn thể ở thôn, bí thư đoàn thanh niên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng...

“Nội dung tập huấn chủ yếu triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động TGPL miễn phí như: vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi, hình thức, lĩnh vực TGPL... theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng nắm bắt thông tin và hướng dẫn khi có đối tượng có yêu cầu được TGPL miễn phí; TGPL cho các đối tượng có nhu cầu.

Thông qua đó, giúp các đối tượng tham dự nắm bắt những quy định về hoạt động TGPL miễn phí để có khả năng thông tin, giải thích về TGPL cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được TGPL đến Trung tâm TGPL và chi nhánh của trung tâm khi có vướng mắc pháp luật”. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Trung Thành cho hay.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tiến hành biên soạn và in ấn 950 sổ tay TGPL; biên soạn, in ấn và phát hành 2.200 tờ gấp pháp luật và tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về trợ giúp pháp lý, 500 bộ tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về TGPL.

Ông Hồ Ta Đăng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vui vẻ nói: “Nhờ được tham gia các hội nghị, truyền thông, hỗ trợ TGPL miễn phí mà chúng tôi được nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu hơn về chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước. Nắm bắt các nội dung được TGPL, tôi sẽ tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 2 chi nhánh TGPL thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và thị trấn KrôngKlang, huyện Đakrông. Mỗi chi nhánh được bố trí 1 trợ giúp viên pháp lý, 1 chuyên viên pháp lý, 1 phòng làm việc, 2 bộ máy vi tính, 1 tủ sách pháp luật.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Minh cho biết: “Thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn chính sách pháp luật về TGPL tại địa bàn thụ hưởng được thực hiện kịp thời đã giúp đồng bào DTTS khu vực đặc biệt khó khăn tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hoạt động TGPL cũng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; nâng cao kiến thức pháp lý, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bảo đảm cho các đối tượng có nhu cầu TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí kịp thời, chất lượng”.

N.T