(Mặt trận) -Không chỉ phát huy vai trò thúc đẩy phong trào học tập, mô hình khuyến học ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Xã Mỹ Bằng có 3.474 hộ, 13.456 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 28% dân số. Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn luôn được các cấp, ngành quan tâm. Đến nay, xã đã có 3.100 gia đình được công nhận là gia đình học tập, 11 dòng họ học tập, 31 đơn vị, cộng đồng học tập tại các thôn, cơ quan, trường học. Theo ông Ngô Đức Tuyên, Chủ tịch Hội khuyến học xã, thông qua những hoạt động cụ thể, công tác khuyến học, khuyến tài đã đóng góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn. Song song với các hoạt động khuyến học, Hội đã phối hợp với các CLB như: CLB Đàn và hát Dân ca xã Mỹ Bằng, CLB hát Sình ca thôn Giếng Đõ, thôn Y Bằng, CLB văn hóa, văn nghệ thôn Đá Bàn tích cực truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.
|
Thành viên CLB hát Sình ca thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) truyền dạy làn điệu truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. |
Nổi bật trong công tác truyền dạy những lời ca, điệu múa của dân tộc phải nói đến mô hình khuyến học của thôn Giếng Đõ. Thôn đa phần là đồng bào Cao Lan sinh sống, do đó duy trì tiếng nói của dân tộc luôn được người dân nơi đây chú trọng. Ông Vương Văn Thọ, Trưởng thôn Giếng Đõ cho biết, trong thôn có dòng họ Phạm, dòng họ Đàm tiêu biểu đã xây dựng nhà thờ tổ và duy trì, phát huy Quỹ khuyến học hiệu quả. Bên cạnh đó, những bậc cao niên trong dòng họ mỗi khi rảnh lại tập trung nhau để tập luyện văn nghệ và truyền dạy lại cho các con, các cháu những làn điệu truyền thống. Họ luôn ý thức việc nếu không duy trì đều đặn và dạy lại cho thế hế trẻ thì những làn điệu ấy sẽ dần bị mai một. Nhiều em đến nay đã hát thành thạo những điệu hát ru, hát ngày mùa và tham gia giao lưu trong các cuộc văn nghệ tại thôn, xã. Các bà còn chỉ cho lớp trẻ cách may bộ trang phục truyền thống, dạy đến đâu các bà giải thích ý nghĩa của từng chi tiết trên trang phục đến đó khiến lớp trẻ càng thêm trân quý bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Sau những giờ học căng thẳng, các con, cháu của dòng họ Lê, họ Tướng, thôn Đá Bàn 1 lại rộn tiếng cười nói khi được các cụ truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. “Lớp học” đặc biệt này do các cụ ông, cụ bà cùng tham gia truyền dạy. Đặc biệt, ông Lê Hải Thanh, 77 tuổi, trưởng dòng họ Lê, thôn Đá Bàn 1 không chỉ là người dạy đọc, dạy viết, giải nghĩa sách cho các con, học trò mà còn lưu giữ gần 100 cuốn sách cổ. Ông luôn mong muốn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc được lưu truyền mãi mãi nên dạy lại được cho ai ông đều tâm huyết chỉ bảo tận tình.
Tại các cơ quan, trường học cũng rất chú trọng đến việc nâng cao ý thức cho cán bộ, học sinh về giữ gìn văn hóa truyền thống. Vào các buổi ngoại khóa, các trường còn lồng ghép vào đó nội dung thi văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc nhằm giúp các em thêm yêu quê hương, dân tộc. Em Mễ Phương Thảo, học sinh lớp 10A6, trường THPT Tháng 10, xã Mỹ Bằng cho biết, ở nhà em được bà, mẹ truyền dạy nên giờ em có thể hát được một số làn điệu của dân tộc và biểu diễn trong các cuộc giao lưu văn nghệ ở xã, trường.
Việc gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thông qua hoạt động của mô hình khuyến học, khuyến tài ở Mỹ Bằng đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.
Thúy Nga