Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết - Điểm sáng Yên Bái

(Mặt trận) -Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm rõ rệt. Nhiều chị em phụ nữ ở vùng DTTS đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Phụ nữ dân tộc Mông, tỉnh Yên Bái tìm hiểu kiến thức về hôn nhân và gia đình.

Tuyên truyền đến từng hộ gia đình

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 191- KH/TU, ngày 18/4/2020 thí điểm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Nếu như năm 2019, toàn tỉnh có 277 trường hợp tảo hôn thì năm 2020 con số này đã giảm xuống còn 190 trường hợp, năm 2021 còn 102 trường hợp và quý I năm 2022 chỉ còn 29 trường hợp. Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nếu như năm 2020, toàn tỉnh có 3 trường hợp thì năm 2021 và quý I năm 2022, cả tỉnh không có trường hợp nào vi phạm.

Được biết, việc tuyên truyền cho nhân dân về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có nhiều kênh, nhưng có một kênh quan trọng đó chính là tuyên truyền đến từng hộ gia đình, thôn, bản, khu dân cư. Chị Thào Thị Thàng (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) chia sẻ: “Đủ 18 tuổi tôi mới lấy chồng và tìm hiểu rõ quy định pháp luật trước khi kết hôn. Khi lập gia đình rồi cũng chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt, có điều kiện cho con ăn học. Trước đây bố mẹ tôi sinh nhiều con nên cuộc sống vất vả lắm, con cái không được đi học. Ở xã tôi, giờ nhiều gia đình trẻ cũng thực hiện như vậy, kết hôn đúng độ tuổi và sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Còn tại huyện Trạm Tấu, sau 2 năm thực hiện Kế hoạch 191- KH/TU, về việc thí điểm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép, huyện Trạm Tấu đã tăng cường công tác lãnh đạo, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, 2năm qua, toàn huyện không có hôn nhân cận huyết thống. Nếu như năm 2020 có 85 trường hợp tảo hôn thì năm 2021 còn 43 trường hợp, quý I năm 2022 có 22 trường hợp, giảm 21 trường hợp so với năm 2021.

Ông Giàng A Chang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu cho biết, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực.

“Trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 191- KH/TU của Tỉnh ủy. Đề cao trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng như của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục nhân rộng và duy trì hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” như: Gia đình, dòng họ, thôn bản 3 không “Không có người tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép” - ông Giàng A Chang chia sẻ.

Năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa

Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch 191- KH/TU của Tỉnh ủy, năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 154 về tuyên truyền, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện. Còn tại các huyện cũng đã cụ thể hóa các nội dung của Kế hoạch bằng các chương trình hành động cụ thể để triển khai tới các xã. Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức các buổi gặp mặt, tập huấn cho các chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư để tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết: Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để thực hiện việc này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, năng động, sáng tạo quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Các cơ quan, ban, ngành chức năng phải tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; xác định rõ đối tượng để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

“Chính quyền cơ sở cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước và kiên quyết hủy hôn đối với những cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, các địa phương cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, ưu tiên hỗ trợ cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình khó khăn nhằm xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng…” - ông Giàng A Tông chia sẻ.

PHƯƠNG NGUYÊN