(Mặt trận) -Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa, đời sống đồng bào công giáo vùng sông nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ dân sống lênh đênh trên sông nước, tiềm ẩn những rủi ro. Thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của người dân, tỉnh Thanh Hóa đã có những việc làm thiết thực giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
|
Nơi ở của các hộ dân đồng bào công giáo sinh sống trên sông được lên bờ tại khu dân cư Duệ Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) khang trang, sạch đẹp. |
Đời vạn chài dập dềnh sông nước
3 năm trôi qua, nhưng anh Nguyễn Văn Hậu (42 tuổi) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất vợ. Anh còn nhớ rõ ngày 1-7-2019, vợ anh là chị Nguyễn Thị Loan, một mình chèo thuyền lênh đênh trên dòng sông Chu đi đánh cá, gặp cơn gió giật mạnh, chiếc thuyền bị lật. Không biết bơi, chị đã bị dòng nước cuốn trôi. Vợ mất, một mình anh Hậu “gồng gánh” nuôi 4 người con và mẹ già.
Anh Hậu cho biết: 42 năm sinh sống trên sông nước tôi đã trải qua nhiều khó khăn vất vả. Khi trưởng thành, xây dựng gia đình, vợ chồng quyết tâm làm ăn mua một mảnh đất lên bờ để xây nhà, ổn định cuộc sống. Nhưng công việc chèo thuyền, giăng câu, thả lưới phụ thuộc vào tự nhiên, khiến thu nhập bấp bênh, việc mua một mảnh đất lên bờ, xây nhà vẫn chỉ là ước mơ. Vợ qua đời, một mình mưu sinh lo lắng cho các con và mẹ già, nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực.
Không chỉ khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, người dân sinh sống trên sông luôn đối diện với những nguy hiểm liên quan tới tính mạng con người. Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, số lượng người sinh sống trên sông chết vì đuối nước khá cao. Bà Nguyễn Thị Khoát, 82 tuổi, người dân vạn chài thôn Tiến Ích 2, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) - có người cháu nội tử vong do bị đuối nước vừa kể lại vừa khóc: Sống trên sông nước mà vẫn chết vì sông nước. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ để có cơ hội được lên bờ, tránh nguy hiểm đến tính mạng, ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiện trên địa bàn tỉnh có 371 hộ dân sinh sống trên sông, chủ yếu là đồng bào công giáo tại TP Thanh Hóa, và các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy có ước nguyện được lên bờ để ổn định cuộc sống.
Cuộc sống sang “trang mới”
Thực hiện Công văn số 556-CV/TU ngày 8-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc vận động, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào công giáo nghèo đang sinh sống trên địa bàn và Thông báo số 129-TB/VPTU thông báo kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có đồng bào sinh sống trên sông tập trung rà soát, có số liệu chính xác các hộ dân có nhu cầu cấp đất. Cùng với đó, các địa phương đang khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực quy hoạch, nhanh chóng bàn giao đất cho các hộ dân theo đúng kế hoạch đề ra.
|
Khu tái định cư cho đồng bào công giáo sinh sống trên sông tại thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) có hệ thống hạ tầng đồng bộ giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. |
Tại huyện Thọ Xuân, qua rà soát còn 81 hộ với 289 nhân khẩu đang sinh sống trên sông có nhu cầu và đề nghị cấp đất ở tại 6 xã, thị trấn gồm: thị trấn Thọ Xuân 8 hộ, xã Xuân Tín 23 hộ, xã Xuân Thiên 10 hộ, xã Phú Xuân 2 hộ, xã Xuân Lai 16 hộ, xã Xuân Hồng 22 hộ. Để nhanh chóng đưa các hộ dân sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với các phòng, ngành, MTTQ và đoàn thể các cấp tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch, phương án để cấp đất ở cho các hộ đồng bào sinh sống trên sông theo kế hoạch. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc chuẩn bị đưa các hộ đồng bào sinh sống trên sông lên bờ đã có nhiều “tín hiệu” vui. Hiện nay, UBND huyện Thọ Xuân đã ban hành quyết định về việc giao đất, miễn tiền sử dụng đất cho đồng bào nghèo thuộc đối tượng là hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước tại thị trấn Thọ Xuân. Các xã Xuân Hồng, Phú Xuân, Xuân Tín, Xuân Thiên, Xuân Lai đang tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước quy trình để cấp đất, giao đất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Liên, 1 trong 7 hộ dân sinh sống trên sông ở thị trấn Thọ Xuân được cấp đất lần này vui mừng bày tỏ: "Được sự quan tâm của tỉnh, gia đình tôi chuẩn bị được cấp đất lên bờ sinh sống. Đây là niềm hạnh phúc của những người đã gắn bó một đời trên sông nước như chúng tôi. Quan trọng hơn là thế hệ con cháu sau này sẽ được đến trường và không còn phải lênh đênh trên sông nước nữa”.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Trong giai đoạn 2003 - 2020, huyện Thọ Xuân đã cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho 131 hộ dân sinh sống trên sông, với tổng diện tích 18.317m2. Đến nay, nhìn chung các hộ đều có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giai đoạn 2022- 2023, huyện Thọ Xuân tập trung chỉ đạo các địa phương có đồng bào nghèo sinh sống trên sông triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết tâm, hoàn thành việc cấp đất, hỗ trợ làm nhà trong quý I-2023”.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng trăm hộ dân sinh sống trên sông được cấp đất lên bờ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ có nguyện vọng lên bờ sinh sống. Tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng chuẩn bị hướng dẫn về trình tự, thủ tục để các huyện thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định chủ trương đầu tư khu tái định cư và trình tự thủ tục cấp đất ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Đây là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành địa phương đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, sớm bàn giao đất cho các hộ dân có đủ điều kiện thụ hưởng. Tin rằng sự quan tâm của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, đời sống đồng bào công giáo sinh sống trên sông nước sẽ được lên bờ và có nhiều đổi thay trong thời gian tới.
Theo Xuân Cường – Báo Thanh Hóa