Già làng, trưởng bản chung tay giúp miền núi A Lưới giảm hộ nghèo

(Mặt trận) -Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ địa phương nên cuộc sống của người dân ở các bản làng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang dần khởi sắc từng ngày. Đặc biệt, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đã sát cánh cùng với chính quyền địa phương để tuyên truyền những cách làm hay, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Già làng Hồ Văn Hạnh, người dân tộc Pa Cô, ở bản Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) là một trong những đảng viên, người có uy tín ở địa phương. Già Hạnh kể rằng, sau ngày đất nước giải phóng, từ năm 1978, ông đã trồng thành công cây lúa nước trên diện tích đất khai hoang cạnh con suối Prong và sau đó thu hoạch, lấy giống lúa cấp phát và hướng dẫn cho người dân trong bản Lê Triêng cùng trồng lúa nước. Những năm sau đó, diện tích gieo trồng lúa nước của bản Lê Triêng tăng lên 40ha với 2 vụ lúa, giúp bà con có gạo ăn thay cho quả bắp, củ sắn trên nương.

 Nghề dệt Dèng tạo ra sản phẩm thổ cẩm độc đáo giúp nhiều hộ dân ở huyện A Lưới thoát nghèo.

Già Hạnh chia sẻ: “Ngoài công tác tuyên truyền, già cùng với các cán bộ trong bản và UBND xã thường xuyên hướng dẫn bà con làm những công việc cụ thể, cố gắng lao động tạo ra được của cải để chăm lo cho cuộc sống gia đình và từng bước thoát nghèo”.

Huyện A Lưới có hơn 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những năm gần đây, với sự nỗ lực trong lao động, sản xuất, người dân ở các làng, bản thuộc các xã miền núi huyện A Lưới đã và đang hồi sinh những “vùng đất chết”, biến những đồi núi “trọc” thành những cánh rừng trồng xanh tốt. Đặc biệt, được sự hướng dẫn, động viên của lãnh đạo chính quyền địa phương cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nên nhiều hộ dân ở vùng miền núi nơi đây đã từng bước thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động của các già làng, trưởng bản, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn quan tâm hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở huyện miền núi A Lưới, giúp người dân vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Mới đây, vào cuối tháng 10/2022, gia đình ông Hồ Văn Cuối thuộc diện hộ nghèo ở thôn Đút 2, xã Hồng Kim (huyện A Lưới) vui mừng khi được huyện A Lưới khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết.

Ông Cuối tâm sự: “Do cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi không có kinh phí để xây dựng nhà ở. Nay được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện A Lưới cùng các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết giúp con cháu trong gia đình có nơi ở kiên cố trong mùa mưa bão. Tôi mong sao các hộ nghèo khác ở địa bàn huyện cũng sẽ được quan tâm, hỗ trợ xây nhà ở để ổn định cuộc sống và sớm thoát nghèo”.

Ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các già làng, trưởng bản đã giúp rất nhiều hộ dân ở địa bàn huyện đã từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ngoài trồng rừng và các loại cây ăn quả, người dân trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế như trồng nấm, trồng sâm, mở rộng trang trại chăn nuôi bò, lợn hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống dệt Dèng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những mô hình phát triển kinh tế thiết thực này nên chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện A Lưới đạt được những kết quả quan trọng khi tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Từ tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là 7.022 hộ nghèo (gần 50%), huyện A Lưới phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1.784 hộ nghèo (dưới hơn 12%); giai đoạn 2022-2025 giảm 5.238 hộ nghèo (tỷ lệ 37,96%). Để đạt được mục tiêu này, huyện A Lưới đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, chương trình giúp tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân, mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Mới đây, vào ngày 25/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã chọn huyện A Lưới để tổ chức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Cuộc vận động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, nhất là vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng họ, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo có điều kiện, sức lao động.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khẳng định: “Cuộc vận động dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Qua đó nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững một cách chủ động, tích cực và hiệu quả hơn và sẽ lan tỏa phong trào ra khắp địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức thấp nhất, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đề ra, sớm đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Anh Khoa