(Mặt trận) -Đi đầu trong những việc khó, có nhiều đóng góp khi cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ vận động nhân dân đẩy lùi lạc hậu, xây dựng bản làng giàu mạnh… Đó là vài nét khắc họa về những già bản, cán bộ cơ sở có uy tín ở Sơn La, những người được ví như những “chiếc cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nơi rẻo cao...
|
Ông Lò Văn Pháng (đứng giữa áo xanh) vận động người dân làm đường giao thông nông thôn. |
Xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, nơi mà khoảng 5 năm trở lại đây được đánh giá là có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực. Trong đó phải kể đến sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy phát triển kinh tế từ cán bộ, đảng viên cho đến mỗi người dân tại các bản.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo xã Ngọc Chiến, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đóng góp vào những đổi thay của xã nhà, ngoài sự đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì vai trò của đội ngũ những già bản, cán bộ cơ sở có uy tín tại các bản đóng một vai trò rất quan trọng. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Từ thông tin của lãnh đạo xã, tìm đến bản Đông Suông, nơi có hộ ông Lò Văn Pháng, dân tộc Thái, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, một trong những người có uy tín ở xã, người mà trong nhiều năm qua đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xã làm lên những “kỳ tích” mà nhiều người coi là việc “khó hơn lên trời”.
|
Ông Vàng Dúa Di (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi tuyên truyền người dân về công tác phòng, chống ma túy. |
Một trong những việc được coi là “khó hơn lên trời” mà ông Pháng đã làm được là sau 10 năm mới đề xuất thành công ban hành nghị quyết vận động nhân dân không thả rông gia súc.
Năm 2004, ông Pháng được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã. Lý do người dân tín nhiệm là bởi ông đã có nhiều đóng góp cho xã nhà và người dân thời kỳ còn làm cán bộ đoàn xã, trưởng bản Nà Bá.
Trong đó, công lao được nhắc tới nhiều nhất là thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước ông là người có công đưa giống lúa nếp 87 về trồng thay thế giống cũ năng suất kém tại các bản, giúp hàng nghìn hộ dân ở xã Ngọc Chiến giải quyết được vấn đề thiếu gạo ăn. Sau này giống lúa 87 được người dân trong vùng đổi thành lúa “Pháng Xiên", tên của ông Pháng và con trai cả của ông Pháng ghép thành.
Ngày đó, nhận thấy bà con Ngọc Chiến sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nếu muốn kinh tế phát triển thì việc đầu tiên cần phải làm là chuyển từ phương thức thả rông gia súc sang nuôi nhốt chuồng. Tại các kỳ họp của HĐND xã, ông Pháng luôn đề xuất đưa vào nghị quyết về việc cấm thả rông gia súc.
Đề xuất ngày đó gặp trở ngại do người quyết định cuối cùng vẫn là lãnh đạo xã. Bởi lúc đó những nhà nhiều gia súc nhất ở Ngọc Chiến chủ yếu là lãnh đạo xã nên đề xuất của ông Pháng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nhớ lại những ngày gõ cửa từng nhà người dân tại các bản, ông Pháng bảo: “Từ năm 2016, khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã, tôi đã quyết định thành lập tổ công tác đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 70%, phải đến năm 2018 mới tuyên truyền, vận động thành công. Nếu cấm thả rông gia súc thành công, khi người dân trồng trọt sẽ không phải lên rừng chặt cây rào vườn phòng gia súc và sẽ giữ được rừng”.
Vào tháng 10 hằng năm, khi bà con thu hoạch xong, hơn nghìn con gia súc thả rông đến tháng 4 năm sau mới đi lùa về (do khí hậu ở Ngọc Chiến lạnh nên chỉ trồng được 1 vụ lúa). Bởi vậy, gia súc hộ này nhầm hộ kia là chuyện bình thường hay gia súc bị rơi xuống vực... chết khá nhiều. Đỉnh điểm, năm 2014, xảy ra đợt rét kỷ lục đã làm hơn 600 con trâu, bò bị chết…
Từ khi trâu, bò nuôi nhốt được chăm sóc tốt hơn, không còn gia súc chết do rét. Những con trâu, bò trước đây thả rông gầy gò, ốm yếu, sau khi chuyển sang nuôi nhốt, có những con trâu mộng được thương lái mua 70 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.
Cách xã Ngọc Chiến chừng 150km là xã vùng cao Long Hẹ của huyện Thuận Châu, chúng tôi tìm gặp ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông. Được biết, ông Di là người có uy tín tiêu biểu của bản Chà Mạy. Chỗ nào có việc gì khó giải quyết hay có những bất hòa giữa các dòng họ hoặc mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp đất đai.., chỉ cần ông Di có mặt “can thiệp” là mọi chuyện lại êm xuôi…
Ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, cho biết, trước đây, người dân các xã vùng cao của Thuận Châu thường di cư tự do, phá rừng làm nương, tái trồng cây thuốc phiện. Cuộc sống của đồng bào còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Nhà nào có người mất thường tổ chức ăn uống dài ngày mới mang đi chôn và mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc con trâu để làm ma rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn tiền mua trâu bò và số tiền nợ đó đến đời con vẫn chưa trả hết...
Để xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, ông Di đến vận động trưởng các dòng họ, rồi đến từng hộ tuyên truyền vận động. Ngày đầu, bà con ở các bản không một ai dám thay đổi tục lệ, sợ người trong dòng họ và tổ tiên quở trách… Do đó, là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trước trong gia đình mình.
Khi con gái đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới bằng bạc trắng, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới hỏi gọn nhẹ, không ăn uống dài ngày như trước. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình thống nhất tổ chức theo nếp sống văn minh, đưa người mất vào áo quan và để trong nhà không quá 2 ngày...
|
Đường giao thông nông thôn bản Kiến Xương, xã Phổng Lái khang trang, sạch, đẹp nhờ đóng góp của những người có uy tín. |
Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm, thuận lợi và bảo vệ môi trường, ngoài dòng họ Vàng, còn có 3 dòng họ Thào, Sùng, Lầu trong vùng đã đồng thuận làm theo. Điều vui hơn cả là người dân trong bản không còn di cư tự do, không còn tái trồng cây thuốc phiện, không phá rừng làm nương, yên tâm lao động sản xuất, cùng nhau loại bỏ các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống sinh hoạt.
Theo đó, cuộc sống ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy…
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định, với vốn hiểu biết, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa các dân tộc, đội ngũ cán bộ và người có uy tín ở cơ sở giữ một vai trò quan trọng. Họ đã phát huy và thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước…
Ngoài những “chiếc cầu nối” như ông Pháng, ông Di và ông Lợi nơi rẻo cao thì tỉnh Sơn La vẫn còn hơn 2.000 cán bộ và người có uy tín khác cũng đang ngày đêm là những “chiếc cầu nối” giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng các bản vùng cao ngày một giàu mạnh.
QUỐC TUẤN