Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc đưa chính sách gần hơn với đồng bào dân tộc

(Mặt trận) -Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đồng bào DTTS.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Việc triển khai Dự án 1 góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hòa Bình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời để đưa các chính sách dân tộc gần hơn với cuộc sống của bà con.

Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình ở 3 cấp. Bên cạnh đó, tỉnh còn chủ động ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng tính hiệu quả, không chạy theo thành tích, đặc biệt là nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 556 ngày 12/3/2024, đưa ra mục tiêu 92% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, phấn đấu giải quyết cho khoảng 50% số hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong thực hiện Dự án 1, đặc biệt là việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở do các địa phương không có quỹ đất và số tiền hỗ trợ thấp, không đủ để nhận chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đối với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở còn thấp do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ đất là đất trồng cây lâu năm, không có tiền thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, một số trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đủ điều kiện tách thửa; chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện, thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ kéo dài dẫn đến chậm tiến độ.

Ông Luyện Văn Toàn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Chư Păh cho biết, theo kết quả rà soát, đa phần hộ nghèo đồng bào DTTS sử dụng đất ổn định nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc lựa chọn hộ được nhận hỗ trợ về nhà ở gặp khó khăn. Ngoài ra, đối với các hộ được hỗ trợ nhà ở năm 2023, mặc dù đã xây nhà xong nhưng hiện chưa đủ nguồn kinh phí để hỗ trợ theo quy định. Không chỉ gặp khó về quỹ đất mà nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ năm 2024 thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP vẫn chưa được Trung ương phân bổ cho các địa phương. Do đó, các địa phương đã phê duyệt xong danh sách hộ nghèo được hỗ trợ các nội dung của Dự án 1 vẫn đang chờ nguồn vốn này để lồng ghép với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ.

Được biết, tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình MTQG 1719 phân bổ cho tỉnh Gia Lai từ năm 2022 - 2024 là 2.067,5 tỷ đồng. Theo đánh giá chung của tỉnh Gia Lai, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 hiện gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân từ năm 2022 đến nay chỉ đạt 49,1% tổng nguồn vốn được phân bổ. Áp lực phải giải ngân trên 1.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm 2024 là rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn sự nghiệp.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Trường Trung Tuyến cho hay, triển khai Dự án 1 Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh có 3.425 hộ được hỗ trợ nhà ở; 1.162 hộ được hỗ trợ đất ở; 11.590 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 6.463 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.554 hộ dân khó khăn vùng đồng bào DTTS. Việc triển khai Dự án 1 có ý nghĩa thiết thực đối với các hộ đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt là đối với những hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, khó khăn về nước sinh hoạt. Từ đó, góp phần giúp đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ đưa ra các giải pháp để từng bước gỡ khó khi triển khai, thực hiện Dự án này.

Tiến Đạt