Gắn đạo với đời, tôn giáo với dân tộc

(Mặt trận) -Trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử, lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc đã kết nối người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

“Mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam”

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, bởi vậy, các vấn đề dân tộc và tôn giáo, đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân luôn được coi trọng. Theo GS.TS. Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ khi giành chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều nỗ lực trong vấn đề tôn giáo và dân tộc, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc sau này.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Đáng chú ý, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3.9.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”. Nhấn mạnh như vậy, Người cho rằng, đoàn kết tôn giáo còn bao hàm cả phê phán hành vi lợi dụng tôn giáo, chống phá sự nghiệp cách mạng, xâm phạm đến lợi ích chung của đất nước, dân tộc...

Từ chính sách đại đoàn kết toàn dân, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng bào dù là lương hay giáo đều có đóng góp tích cực về sức người, sức của. Như linh mục Phạm Bá Trực, sau này là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (29.5.1946), Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (7.3.1951), linh mục Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm... đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Có những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài... là nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Không ít chức sắc, bà con giáo dân quên mình cho sự sống còn của đất nước, dân tộc.

Mục tiêu nhất quán

Kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo trong đại đoàn kết dân tộc trở thành tư tưởng xuyên suốt, một chiến lược cách mạng quan trọng của Đảng. TS. Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và Hiến pháp, pháp luật.

Trong các văn kiện của Đảng luôn nhất quán quan điểm: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Khoản 1, Điều 4, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Thực tế, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân luôn được quan tâm giải quyết, trên cơ sở đúng pháp luật, tạo điều kiện để tôn giáo hoạt động, gắn “việc đạo với việc đời”, “tôn giáo với dân tộc”. Mối quan hệ gắn bó, đối thoại giữa các tôn giáo với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, thường xuyên. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi đã định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và chủ động giải quyết nhiều đề xuất kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại với nhân dân, hòa giải mâu thuẫn tôn giáo hay những vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo như tranh chấp đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự... tạo sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các tôn giáo.

Phát huy tốt vai trò của các tôn giáo

Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra trong bối cảnh hoạt động tôn giáo không ngừng biến đổi trong xu thế các tôn giáo trên thế giới gia tăng thúc đẩy truyền giáo, phát triển tín đồ sang các quốc gia khác. Bên cạnh đó, thế lực thù địch bên ngoài vẫn âm mưu lợi dụng tôn giáo để gây rối an ninh trật tự, xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, hòng chia rẽ đoàn kết giữa các tôn giáo, tôn giáo với dân tộc.

Theo các chuyên gia, nhằm tăng cường đoàn kết các tôn giáo, phát huy vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, cần tiếp tục thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có đồng bào tôn giáo.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực góp ý, thời gian tới, cần hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách pháp luật liên quan nhằm phát huy tốt vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đấu tranh kiên quyết đối với hành vi lợi dụng tôn giáo; ứng xử với hiện tượng tôn giáo mới; chính sách cụ thể để phát huy vai trò người tiêu biểu trong các tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp và phát huy vai trò của các tôn giáo; vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của tín đồ, chức sắc tôn giáo; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm nảy sinh trong sinh hoạt và hoạt động của tôn giáo để phản ánh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời...

Thảo Nguyên – Báo Đại biểu Nhân dân