Ea Kar nỗ lực “gỡ vướng” chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) (gọi tắt là Chương trình) kỳ vọng tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại 6 xã khu vực III của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình, huyện Ea Kar kịp thời ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã được thụ hưởng Chương trình đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án thành phần.

Ea Sar là một trong 6 xã của huyện Ea Kar được đầu tư các nguồn vốn từ Chương trình nhằm hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn... Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, đối với những tiểu dự án có văn bản hướng dẫn cụ thể, xã đã phân công cho các ngành, đoàn thể triển khai kịp thời. Chẳng hạn như: Hội LHPN xã phụ trách tiểu dự án về bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp bách của phụ nữ và trẻ em đã tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ... Hay như đối với nội dung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã đã thành lập một câu lạc bộ đàn tính, hát then tại thôn 3. Để hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, xã tổ chức rà soát, cấp 9 bồn nước cho 9 hộ nghèo đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài các tiểu dự án trên, xã Ea Sar còn được đầu tư 3,4 tỷ đồng xây dựng tuyến đường liên thôn từ thôn 6 đi buôn Ea Sar và buôn Xê Đăng, với tổng chiều dài trên 2 km, hoàn thành vào cuối tháng 7/2023, góp phần kết nối các thôn, buôn, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân.

 Đường giao thông kết nối thôn 6 - buôn Ea Sar - buôn Xê Đăng đến trung tâm xã Ea Sar (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn xã là các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, còn chồng chéo. Một số thủ tục hành chính quy định về việc thành lập nhóm hộ, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất khá phức tạp, gây khó khăn cho các đối tượng là hộ nghèo, đồng bào DTTS. Vì vậy, các ngồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế chưa giải ngân được. Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế, định mức hỗ trợ, hồ sơ thanh toán… UBND xã sẽ phân công cán bộ đồng hành cùng các nhóm hộ nhằm hỗ trợ xây dựng đề án, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ thanh toán theo quy định, giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi.

Năm 2023, huyện Ea Kar được phân bổ trên 90 tỷ đồng thực hiện Chương trình, trong đó, nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 hơn 33,8 tỷ đồng, vốn đầu tư 56,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện mới giải ngân được trên 11,5 tỷ đồng, bằng gần 13% kế hoạch. Nguồn kinh phí chưa triển khai giải ngân được chủ yếu thuộc các dự án, như: hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; y tế; hỗ trợ các dân tộc gặp nhiều khó khăn... Riêng nguồn vốn sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng, năm nay huyện được phân bổ 5,8 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng 15 công trình, nhưng trong 6 tháng đầu năm chưa giải ngân được.

Theo đánh giá của UBND huyện Ea Kar, nguồn vốn giải ngân các công trình thuộc Chương trình năm 2023 trên địa bàn huyện đạt thấp là do còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đến ngày 25/5/2023, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 1003/QĐ-UBND về việc giao kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình năm 2023 nên các công trình triển khai thực hiện chậm. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chưa đầy đủ nên một số nội dung chưa thể triển khai thực hiện được. Hơn nữa, đây là chương trình mới nhưng chưa được tổ chức tập huấn nên cơ quan cấp huyện còn lúng túng trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền cho biết, với quyết tâm giải ngân hết các nguồn vốn của Chương trình đã được phân bổ, huyện Ea Kar sẽ làm việc trực tiếp với các sở, ngành nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND huyện giao các phòng, ban chuyên môn và chủ đầu tư tiến hành lựa chọn hình thức thực hiện các dự án, hướng dẫn nội dung chi các nguồn vốn, hướng dẫn chế độ thực hiện thanh quyết toán, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, người có uy tín trong việc thực hiện các chính sách dân tộc.

Nguyễn Xuân