Đồng Nai: Hỗ trợ con em đồng bào DTTS học tập

(Mặt trận) -Thông qua mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp sức đến trường, thời gian qua, các DTTS tại xã Bảo Quang (TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã huy động nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ cho con em đồng bào khó khăn có thêm điều kiện đến trường.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ông Hoàng Thiên Bình (bìa trái), thành viên mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức đến trường trò chuyện cùng em Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 6, Trường THCS Bảo Quang bên chiếc xe đạp được tặng. Ảnh: Sông Thao

Hiện đây là mô hình khuyến học duy nhất được cộng đồng các DTTS tỉnh Đồng Nai cùng chung tay thực hiện.

* Chủ động giúp con em đến trường

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Thiên Bình, người uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Bảo Quang, thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường khi nói về mục đích xây dựng và tham gia vào hình thức khuyến học này.

Cũng theo ông Bình, mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường được thành lập từ năm 2018 và trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. 24 thành viên tham gia mô hình đều là những người DTTS có uy tín, tham gia công tác hội, đoàn thể ở địa phương. Mỗi tháng, từng thành viên tự tiết kiệm trong chi tiêu của gia đình để góp 500 ngàn đồng xây dựng quỹ cho mô hình. Ngoài số tiền “cứng” này thì trước dịp tổ chức trao học bổng, xe đạp, sách vở… mỗi thành viên đóng góp thêm. Bên cạnh đó, mỗi người còn kết nối với hàng xóm, người thân để vận động thêm nguồn lực cho công tác khuyến học.

Ông Vi Kim Cường, Trưởng ấp Lác Chiếu, thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường cho biết thêm, ấp có 380 hộ thì 51% trong số này là đồng bào các DTTS như: Chơro, Khmer, Tày, Nùng, Hoa. Ấp hiện chỉ còn 4 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hoàn cảnh là gia đình khó khăn có con đang đi học, trẻ mồ côi cha mẹ hay mồ côi 1 bề cần được giúp đỡ. Xuất phát từ thực tế đó, khi ý tưởng thành lập mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường ra đời đã nhận được sự tham gia của những cá nhân nổi bật của đồng bào như: già làng, người uy tín…

“Thành viên đều là những nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ. Ai cũng mong muốn giúp con em đồng bào được thuận lợi đi học. Nhưng tự mỗi người làm thì khả năng vật chất giúp cho các em không nhiều và chưa chắc đã được thường xuyên. Do vậy, thông qua mô hình này mỗi người cùng “góp gió thành bão” từ đó mới trợ giúp lâu dài, kịp thời cho các em” - ông Cường nói. 

Còn theo bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đến nay mô hình này đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp với số tiền 62 triệu đồng từ các thành viên và cộng đồng. Từ đó đã có 5 đợt trao tặng quà cho học sinh DTTS khó khăn là thẻ bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, xe đạp, đồ dùng học tập… cho học sinh, sinh viên đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực giúp các em tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong học tập để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình trong tương lai.

* Niềm vui của con em đồng bào

Nữ sinh Thị Ánh Tuyết (dân tộc Chơro) hiện là học sinh lớp 6, Trường THCS Bảo Quang chia sẻ: “Nhà con cách trường gần 3km. Cha mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhà nên để tới trường, con đi nhờ xe bạn hay xin đi ké người đi đường. Khi vào lớp 6, con được các cô chú tặng xe đạp nên con rất mừng vì mình có thể tự đến trường. Đôi khi còn phụ mẹ chở các em đến trường rồi mới đi học”.

Riêng với em Thị Thanh Nga (ấp Lác Chiếu, dân tộc Chơro), sau khi học xong chương trình lớp 5 em không muốn đến trường. Ban ấp cùng thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường và giáo viên đã tìm đến nhà để tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh vận động, thuyết phục, thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường còn tặng cho học sinh này 1 xe đạp, Ban giám hiệu nhà trường cũng tặng nữ sinh quần áo, sách vở để đến trường.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Mẫn, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Quang cho biết thêm, thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho học sinh của trường. Qua đó, đã có 28 thẻ bảo hiểm y tế, 7 suất học bổng, 2 xe đạp được trao cho học sinh ở trường. Ngoài ra, khi nắm thông tin về các trường hợp khó khăn đột xuất,  Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường cùng nhà trường kết hợp hỗ trợ kịp thời cho các em. Đây là điều rất đáng trân trọng vì đã góp phần làm vơi bớt những khó khăn trên đường đến trường của học sinh, nhất là những em gia đình khó khăn thuộc các hộ đồng bào DTTS.

Theo bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, qua một thời gian hoạt động, mô hình Cộn đồng các DTTS tiếp sức đến trường đã thể hiện sự chủ động của chính đồng bào trong việc quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em trong cộng đồng. Đồng thời đã tạo động lực giúp học sinh DTTS hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong học tập để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình trong tương lai.

Ông HOÀNG THIÊN BÌNH, người uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Bảo Quang cho biết: “Trước đây, chuyện cho con em học hành đến nơi đến chốn trong đồng bào chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều nguyên nhân, trong đó đa phần do tâm lý của đồng bào chỉ cho con em đi học để biết chữ. Rồi suy nghĩ của đồng bào đã thay đổi, ai cũng mong muốn con em được đi học đến nơi đến chốn để sau này có cơ hội tìm công việc ổn định không phải làm thuê làm mướn cực khổ. Từ đó, cộng đồng DTTS rất mong muốn góp sức động viên con em đi học”.

V.T