(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) sẽ tiếp sức tỉnh Đồng Nai giải quyết một số nhu cầu bức thiết trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh; trong đó có nội dung hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
|
Diện mạo nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Đồng Nai. (Trong ảnh: Hệ giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở xã Phú Vinh, Định Quán – một địa phương có 72% dân số là đồng bào DTTS) |
Nỗ lực không để phát sinh
Tỉnh Đồng Nai được Trung ương công nhận là địa phương hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát từ năm 2019. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có không ít căn nhà được xây dựng từ nhiều năm trước đã xuống cấp, người dân chưa có điều kiện kinh tế để sửa chữa, xây mới; hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu hụt chỉ số về nhà ở của tỉnh cũng phát sinh hằng năm, nhất là ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 (áp dụng cho năm 2024) trên địa bàn tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 12/1/2024 cho thấy, toàn tỉnh có 597 hộ nghèo và 860 hộ cận nghèo người DTTS. Qua rà soát, có 520 gia đình DTTS cần hỗ trợ kinh phí để xây mới, sửa chữa nhà ở.
Để không phát sinh tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở. Ngoài ra, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác này.
Ngoài các hộ đồng bào DTTS tại chỗ thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có 29,2 nghìn nhân khẩu người DTTS di cư đến Đồng Nai làm việc; tạm trú, ở trọ tại những địa bàn tập trung các khu công nghiệp.
Chỉ tính riêng Quỹ Vì người nghèo, giai đoạn 2019 – 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận được hơn 121,6 tỷ đồng, tăng 6,9 tỷ đồng so với nhiệm kỳ 2015 2019. Từ nguồn lực này, đã có trên 1,5 nghìn căn nhà được xây dựng, sửa chữa, giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh “an cư, lạc nghiệp”
Gia đình ông K’Rôn là một hộ nghèo ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú. Không có việc làm ổn định, vợ và con thường xuyên đau yếu nên cuộc sống gia đình ông rất khó khăn; càng bấp bênh hơn khi căn nhà của gia đình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Được sự kết nối, vận động của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, năm 2023, gia đình ông K’Rôn đã được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở. Để giúp tiết kiệm chi phí, bà con chòm xóm đã hỗ trợ, cùng với gia đình ông san gạt, đầm nền nhà, trộn hồ, khuân vác vật liệu… Nay gia đình ông K’Rôn đã an cư trong ngôi nhà kiên cố, yên tâm lao động sản xuất.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khang, nguồn lực xây dựng nhà ở cho bà con DTTS khó khăn trên địa bàn tỉnh ngày càng có sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, cá nhân; trong đó có nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Đơn cử như, Dự án “Xây dựng 07 căn nhà hữu nghị” cho các gia đình DTTS khó khăn về nhà ở tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán do tổ chức Les Enfants du Dragon (LEDD/Pháp) tài trợ. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 01/8/2023; có tổng vốn 420 triệu động, do Ban Dân tộc tỉnh thực hiện. Dự án đã xây mới nhà ở cho 7 hộ đồng bào DTTS ở Thanh Sơn, được bàn giao cuối tháng 9/2023.
Tiếp sức xóa nhà tạm
Với nguồn lực huy động được, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì kết quả thực hiện phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài ra, mục tiêu của tỉnh không chỉ thực hiện ở số lượng gia đình được hỗ trợ về nhà ở mà kinh phí thực hiện cho mỗi căn nhà phải cao hơn nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng, độ bền cho công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, trong quá trình xây dựng nhà kiên cố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách tại Đồng Nai, tỉnh áp dụng mô hình 3 tại chỗ: Nguồn tài trợ ban đầu, gia đình và người thân đóng góp, chính quyền vận động cộng đồng hỗ trợ thêm.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Đồng Nại xây dựng và sửa chữa 213 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn người DTTS trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 14,701 tỷ đồng.
Vì thế, dù mức chuẩn hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nghèo được Quỹ Vì người nghèo tỉnh áp dụng là 80 triệu đồng/căn nhà, nhưng sau khi hoàn thành, mỗi căn nhà trên địa bàn tỉnh đều có giá từ 100 triệu đồng trở lên; nhiều căn còn có kinh phí xây dựng gần 250 triệu đồng.
“Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương chú trọng triển khai. Nhờ đó, đồng bào DTTS đã nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong quá trình hoàn thành ngôi nhà”, ông Khang chia sẻ.
Công tác xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, xuống cấp trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đồng Nai thời gian tới sẽ được tiếp sức từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Theo dự kiến, tổng kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Đồng Nai là 935,802 tỷ đồng, trong đó có nội dung hỗ trợ nhà ở.
|
Với nguồn lực huy động được, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì kết quả thực hiện phong trao chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Trong ảnh: Hỗ trợ xây mới nhà ở cho gia đình bà Lê Thị Nguyên, ở xã Hàng Gòn, TP. Long Khánh) |
Ông Nguyễn Văm Khang cho hay, hiện tỉnh đang rà soát nhu cầu thực hiện Chương trình MTQG 1719 để tực hiện Dự án 1, trong đó, ưu tiên xây mới, sửa chữa nhà ở và nước sinh hoạt phân tán. Đồng thời, thực hiện các dự án theo Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh, Ban Dân tộc đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đăng ký vốn từ nguồn đầu tư công và nguồn sự nghiệp để thực hiện cho giai đoạn 2023 – 2025.
Tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV, năm 2024 được tổ chức ngày 22/11/2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đề nghị, tỉnh Đồng Nai triển khai thực ngay 06 nhiệm vụ ngay sau Đại hội. Trong đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh triển khai hiệu quả 03 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn. Trước mắt, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Chính phủ đặt mục tiêu đến trước ngày 30/4/2025, cả nước thực hiện thành công Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025”. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tổ chức ngày 11/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất, từ ngày 10/11/2024, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hoá. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, bố trí, hướng dẫn về ngân sách nhà nước; yêu cầu việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ nhà ở từ 02 Chương trình MTQG phải bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng.
Tùng Lâm