Động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ

(Mặt trận) -Nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng hàng hóa, dịch vụ; phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực triển khai dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng DTTS&MN giai đoạn 2022-2025. Đây là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025.

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Linh không ngừng được nâng lên

Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc đưa chính sách gần hơn với đồng bào dân tộc

 Dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng DTTS&MN tạo tiền đề nhiều thanh niên dân tộc, miền núi có thêm nguồn lực phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là chủ trương lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều đề án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp vùng DTTS&MN từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội thiết yếu, đồng bào được tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày một nâng cao. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người DTTS khoảng 24,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế vùng DTTS&MN dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã có chuyển biến theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, sản xuất hàng hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Để thực hiện dự án, tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai. Theo đó, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ dự án là các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; gia đình, cá nhân người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN. Các nội dung của đề án tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN

Sau khi có kế hoạch triển khai thực hiện dự án của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung dự án, tiểu dự án đến các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, đơn vị cũng đã trực tiếp thực hiện nhiều nội dung nhằm thông tin, tuyên truyền để người dân vùng DTTS&MN nắm bắt, tiếp cận thông tin chính sách hỗ trợ.

Đồng chí Lê Tiến Quân - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền, thông tin các nội dung hỗ trợ của dự án, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS&MN có sản phẩm tiêu biểu tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại thành phố Hà Nội; tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kỹ năng xác định nhu cầu, tìm kiếm thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản lý bán hàng cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh vùng đồng bào DTTS&MN có nhu cầu...

Tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, cùng với sự phối hợp, hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh, ngành liên quan, các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị truyền thông về thúc đẩy, góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đoàn viên thanh niên, phụ nữ, người dân vùng đồng bào DTTS&MN, phổ biến mô hình khởi nghiệp, kinh doanh mới, chia sẻ các mô hình khởi nghiệp thành công đồng bào DTTS&MN địa bàn tỉnh.

Thông qua các hội nghị, công tác truyền thông, thông tin, người dân vùng DTTS&MN đã được nắm bắt các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ sản xuất khác có thể vận dụng để tranh thủ nguồn lực phát triển kinh tế. Cụ thể, tổ chức, cá nhân vùng đồng bào DTTS&MN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường; hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ; hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thực hiện dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng DTTS&MN là tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả tỉnh; tạo thuận lợi phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh.

M.Phương