(Mặt trận) -Cùng với công tác dân vận, các xã miền núi của tỉnh Quảng Ngãi còn phát huy vai trò người có uy tín trong phong trào hiến đất mở đường, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ đời sống dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiến đất cho làng
Những năm qua, tại huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phong trào hiến đất mở đường, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh được người dân đồng tình hưởng ứng. Đơn cử như gia đình ông Hồ Văn Phương, ở thôn 3, xã Trà Giang (Trà Bồng), đã hiến 1.000m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. “Thửa đất ấy lâu nay gia đình tôi trồng keo, phát triển kinh tế. Vì vậy, khi nghe chính quyền địa phương, già làng vận động hiến đất tôi cũng do dự. Nhưng nghĩ lại bây giờ, Nhà nước cấp kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, nhưng nếu không có đất để làm thì sẽ chuyển cho nơi khác. Mình hy sinh một chút, nhưng cả thôn có được chỗ sinh hoạt, hội họp khang trang cũng rất ý nghĩa”, ông Phương bày tỏ.
|
Già làng Đinh Văn Hanh, ở thôn Ka Năng, xã Sơn Tinh (Sơn Tây), vận động người dân trong thôn hiến đất làm đường |
Khu dân cư Nước Củ, thôn Ka Năng, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi có 28 hộ dân, với 97 nhân khẩu. Trước đây, đường dẫn vào khu dân cư là đường đất, vào mùa mưa thì trơn trượt. Học sinh và người dân đi lại rất khó khăn. Từ công tác dân vận, phát huy vai trò của già làng, người uy tín, người dân nơi đây đã đồng lòng hiến một phần đất sản xuất để mở đường. Cùng với sự hỗ trợ của Công an huyện Sơn Tây trong việc đào đất đá, vận chuyển nguyên vật liệu vào thi công, đến nay con đường dài hơn 100m, rộng 2m đã được bê tông sạch, đẹp.
“Người dân ở đây tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi nghe phân tích, hiểu được lợi ích từ con đường mang lại thì ai cũng vui vẻ nhường đất mở đường”, già làng Đinh Văn Hanh chia sẻ.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Tính đến nay, 100% xã vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi đã có đường ô tô về đến trung tâm, nhiều công trình giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng; các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh cũng đã được đầu tư. Ngoài ra, bằng nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình phát triển vùng và ngân sách địa phương, các huyện miền núi đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa. Kết quả ấy có sự đóng góp của những già làng, trưởng thôn, những người uy tín trong cộng đồng. Có nhiều già làng, người có uy tín đã gương mẫu, đi đầu tiên phong trong việc làng, việc nước.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Tây Đinh Thị Diễm Thoa cho biết, việc làm của những người có uy tín và người dân trong các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đã góp phần làm cho đời sống của người dân ở nhiều xã miền núi thay đổi. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy. Các hủ tục dần được xóa bỏ; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc của huyện được củng cố và tăng cường.
“Người có uy tín, già làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là việc vận động hiến đất mở đường, xây dựng trường học... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi. Trong năm 2022, Ban Dân vận cấp ủy, MTTQ các cấp sẽ tăng cường về cơ sở, cùng với già làng, người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, phát huy khối đại đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An nhấn mạnh.
Tất cả vì quê hương
Ông Đinh Văn Tùng, người có uy tín ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua (Sơn Tây), đã hiến gần 1.000m2 đất để xây dựng điểm trường thôn, giúp trẻ em trong làng có chỗ học khang trang. Khi Nhà nước chủ trương xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hay mở đường giao thông, ông Tùng sẽ tiếp tục hiến hàng trăm mét vuông đất nữa để xây dựng công trình. "Thấy quê hương ngày càng đổi mới, tôi biết những gì mình cho đi thật sự rất ý nghĩa", ông Tùng chia sẻ.
|
HỒNG HOA