(Mặt trận) -Mỗi tôn giáo dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng gắn kết thành một khối trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng hành với đất nước, đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Nam Định là tỉnh trọng điểm về tôn giáo với số chức sắc, tín đồ Công giáo đứng thứ 3 cả nước; chức sắc, tín đồ Phật giáo đứng thứ 2 miền Bắc. Với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, những năm qua các tôn giáo luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sự lan tỏa trong nhân dân. Trong đó tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục; vận động các hộ gia đình tín đồ tôn giáo vươn lên phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh…
|
Các tôn giáo ở tỉnh Nam Định luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nguồn: namdinh.gov.vn |
Theo đó, những năm qua, đồng bào Công giáo toàn tỉnh đã hiến trên 20.000m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Các tăng, ni đã kêu gọi tín đồ, Phật tử hiến tặng trên 10.000m2 đất, gần 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số trạm y tế, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, xóm… Những đóng góp này góp phần thiết thực đưa Nam Định trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trước 1 năm rưỡi; đến năm 2019, 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ năm 2020 đến nay, Nam Định tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ của chức sắc các tôn giáo, đến năm 2023, tỉnh có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng huyện Hải Hậu (nơi hơn 40% dân số là đồng bào Công giáo, có 39 chùa, 19 tăng, 50 ni với trên 14.000 tín đồ) đang là một trong 5 huyện của cả nước thực hiện thí điểm mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Giữ gìn an ninh trật tự xã hội
Quảng Trị có đồng bào theo đạo chiếm hơn 16% dân số toàn tỉnh, sống xen kẽ khắp các địa bàn khu dân cư. Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được các chức sắc, lãnh đạo giáo hội địa phương và cơ sở tôn giáo đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 39 mô hình bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở Phật giáo và Công giáo trên địa bàn duy trì hoạt động. Trong đó, Phật giáo có 30 mô hình, Công giáo có 8 mô hình và 1 mô hình kết hợp giữa Phật giáo và Công giáo (mô hình lương - giáo đoàn kết tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong).
Trong đó, nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả. Mô hình Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, với nội dung thiết thực như: tuyên truyền, vận động tăng, ni, Phật tử nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật, vận động quần chúng bài trừ mê tín dị đoan; tuyên truyền, hướng dẫn tăng, ni, Phật tử và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm góp phần bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... Hay mô hình Niệm Phật đường an lành, trật tự, kỷ cương ở huyện Gio Linh; mô hình lương - giáo đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong...
Mô hình Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới tuyên truyền, vận động mỗi gia đình giáo dân thực hiện tốt việc giáo dục con cháu trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội với phương châm sống kính Chúa, yêu nước… đã tạo được sức lan tỏa trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhiều vị chức sắc tôn giáo là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn khu dân cư.
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Bình Phước có 8 tôn giáo với tín đồ chiếm 24% dân số toàn tỉnh, 6 năm qua, Chương trình phối hợp về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2022 đã phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, các tôn giáo tham gia 199 đợt tập huấn, hướng dẫn, phổ biến về công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Trong đó, 2 mô hình điểm tại Tổ đình Long Khánh (Quy Nhơn) và Giáo xứ Gò Thị (Tuy Phước) đã được xây dựng để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Trên 500.000 lượt tờ rơi, 2.000 bản thông điệp, nhiều phóng sự, phim tài liệu chuyên đề về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa sinh học, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai… do các tôn giáo phối hợp biên soạn, thực hiện, nhằm truyền thông trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 30 mô hình Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như mô hình: khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyến đường tự quản; dọn rác làm sạch môi trường biển, thực hiện nếp sống văn minh nơi cơ sở tôn giáo; không chặt phá rừng…
Các mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngọc Phương - Thái Minh