Đồng Bầu xây dựng đời sống mới

(Mặt trận) -Xóm Đồng Bầu (xã Tân Thành, Phú Bình, Thái Nguyên) hiện có 166 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc Nùng. Thời gian qua, các đoàn thể của xóm đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con bỏ những hủ tục, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

 Trưởng xóm Vi Văn Liêm tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

Đồng Bầu là một trong những xóm có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống nhất của huyện Phú Bình. Đồng bào Nùng quê gốc ở tỉnh Lạng Sơn di cư về cách đây khoảng 4-5 thế hệ. Những năm trước, trong xóm vẫn còn tồn tại một số hủ tục như: Tảo hôn; ăn uống kéo dài trong các dịp ma chay, cưới hỏi; mê tín dị đoan; cúng “ma gà”; sinh nhiều con…

Ông Vi Văn Sử, sinh năm 1966, một người dân trong xóm, nhớ lại: Trước đây gia đình có người chết thường để 3-5 ngày mới đưa đi chôn, mời thầy về cúng liên tục cả ngày lẫn đêm. Anh em, họ hàng, làng xóm đến giúp và ăn uống mấy ngày liền. Việc này gây tốn kém tiền của, sau đám tang không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần.

Còn anh Đào Văn Bình chia sẻ: Từ nhỏ đến giờ tôi không biết “ma gà” là như thế nào nhưng nghe mọi người bàn tán nhà này, nhà kia trong xóm nuôi “ma gà” nên cũng sợ…

Những hủ tục này đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Vì vậy, các đoàn thể của xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, thông qua các buổi họp xóm hoặc đến từng hộ.

Anh Vi Văn Liêm, Trưởng xóm Đồng Bầu, cho biết: Trong mỗi buổi họp xóm, chúng tôi thường dành thời gian để tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ, vệ sinh môi trường… Chúng tôi ưu tiên tuyên truyền cho những người trẻ tuổi, bởi họ có tư tưởng và cách nghĩ tiến bộ hơn, để lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đến nay, trong xóm không còn tình trạng cưới tảo hôn, tư tưởng trọng nam khinh nữ; việc ma chay, cưới hỏi được tổ chức tiết kiệm, nhanh gọn hơn…

Khi các hủ tục được xóa bỏ, bà con tập trung vào phát triển kinh tế. Tích cực cải tạo lại vườn, đồi để trồng rừng, trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi gà theo hướng gia trại; con em trong độ tuổi lao động đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Nhờ đó, đời sống của người dân trong xóm dần được nâng lên. Nếu trước năm 2016, gần 100% hộ dân trong xóm thuộc diện nghèo, cận nghèo thì hiện nay chỉ còn 25 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo.

Anh Vi Văn Liêm cho biết thêm: Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng đời sống của người dân trong xóm vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ra khỏi danh sách xóm đặc biệt khó khăn.

Vũ Công