Đồng bào tôn giáo tỉnh Long An góp sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Thời gian qua, đồng bào tôn giáo tỉnh Long An góp sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Hiệu quả từ cuộc vận động tôn giáo xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ở Thạnh Hóa (Long An).

Tỉnh Long An hiện có hơn 430.000 tín đồ theo đạo (chiếm khoảng 28% dân số). Những năm qua, đồng bào tôn giáo nơi đây đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Nội vụ và các đoàn thể huyện Thạnh Hóa tích cực vận động các tổ chức tôn giáo tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Tại xã Tân Đông - điểm sáng trong công tác vận động tôn giáo xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, năm 2021, xã triển khai xây dựng mô hình “Tôn giáo vận” thực hiện tại ấp 3; đến nay mô hình được nhân rộng 4/4 ấp trong toàn xã.

Trong năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Đông và các đoàn thể vận động các tín đồ tôn giáo ủng hộ tiền, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và các cơ sở tôn giáo, mô hình “tôn giáo vận” đóng góp xây dựng được 9 cây cầu giao thông nông thôn, 3 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng và gần 1.600 ngày công lao động, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Mưng - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Long An cho biết, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp cho xã hội, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, đoàn thể và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống, vì mục tiêu tốt đời, đẹp đạo.

Đặc biệt, các chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Long An đến với đồng bào có đạo.

Qua đó, tạo được sự đồng thuận, gắn kết trong thực hiện chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, với tư tưởng “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, thời gian qua, Phật giáo tỉnh Long An đã tích cực đồng hành với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và nghĩa tình.

Năm 2020, thiên tai, bão, lũ đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung. Trước tình hình đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã tổ chức nhiều chuyến xe thiện nguyện hướng về đồng bào miền Trung để trao tặng những phần quà giúp người dân khắc phục hậu quả.

Hay như năm 2021, trước tình hình khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Phật giáo tỉnh Long An đã kêu gọi, vận động các chức sắc, tín đồ, những tấm lòng hảo tâm tích cực tham gia ủng hộ vật chất, chung tay cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, đồng thời ủng hộ nhu yếu phẩm cho các bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế địa phương.

 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An trao quà tặng người nghèo huyện Châu Thành.

Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống Phật giáo đồng hành với dân tộc, những năm qua, Phật giáo tỉnh Long An luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của giáo hội, tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, Phật giáo tỉnh Long An còn triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả trong công tác thiện nguyện, như: Xây dựng nhà tình thương tặng các gia đình khó khăn về nhà ở; mở các phòng khám đông y miễn phí giúp đỡ bệnh nhân; nuôi dưỡng người già; xây dựng cầu giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới; giúp học sinh nghèo hiếu học...

Thông qua những việc làm như vậy, Phật giáo Long An góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội. Bên cạnh đó, phong trào dân vận khéo trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện của các họ đạo, đồng bào Công giáo và Phật giáo nói riêng ngày càng tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Qua đó, củng cố niềm tin của các tổ chức, tín đồ tôn giáo với chính quyền, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

N.Thanh