Đồng báo tôn giáo tỉnh Đắk Lắk: Chung sức vì cộng đồng

(Mặt trận) -Trong vườn hoa “nghìn việc tốt”, các chức sắc, tín đồ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tinh thần, trách nhiệm và khát vọng cống hiến, góp sức dựng xây quê hương giàu đẹp, trở thành những trụ cột vững chắc ở xứ đạo, tạo sự hòa hợp, gắn kết đạo - đời.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội của địa phương, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Góp sức cho việc chung

Trước đây, nơi sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân trong buôn Ea Kring (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) chỉ là một chòi gỗ nhỏ dựng tạm. Sau khi Điểm giáo họ Đa Minh ở buôn Ea Kring chính thức được công nhận, năm 2014, giáo dân Nguyễn Văn Hùng, Trưởng điểm giáo họ Đa Minh đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến 400 m2 đất để xây dựng nhà nguyện. Ông còn tuyên truyền, vận động tín đồ tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng nhà nguyện với tổng trị giá trên 200 triệu đồng, giúp bà con có nơi thờ tự, sinh hoạt tươm tất.

 Con đường nông thôn mới đang được thi công và hoàn thiện nhờ sự góp sức của bà con giáo dân buôn Dlung 1A, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ

Lấy người dân làm trung tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông Hùng đã lồng ghép tuyên truyền phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” trong các buổi sinh hoạt đạo. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, bà con trong buôn sôi nổi bàn bạc và quyết định tuyến đường cần làm, mức đóng góp là 300.000 đồng/1ha đất sản xuất, tự nguyện giải phóng mặt bằng, mở rộng đường. Ban đầu tư giám sát cộng đồng cũng được người dân bầu ra nhằm thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thu, chi và thi công tuyến đường. Nhờ “khéo” khơi nguồn nội lực, đoàn kết trong dân, cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, buôn Ea Kring đã làm được 3 tuyến đường bê tông.

Buôn Dlung 1A (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) có 265 hộ với trên 1.200 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% người dân theo đạo Tin lành và Thiên chúa. Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bất cứ phong trào hoạt động nào do địa phương phát động, bà con giáo dân cũng đều chung sức bởi họ luôn hiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tất cả cũng vì lợi ích của người dân.

Bí thư Chi bộ buôn Dlung 1A Y Luân Buôn Krông phấn khởi chia sẻ: “Từng mét đất thổ cư đến tường rào, cây cối, công trình trên đất, khi được tuyên truyền, vận động làm đường, bà con giáo dân sẵn sàng tháo dỡ, di dời để thực hiện. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay hầu hết các tuyến đường giao thông nội buôn đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Có sự trợ lực của Nhà nước, sự chung tay của người dân, cảnh nắng bụi, mưa lầy trước đây đã không còn, nhân dân yên tâm tham gia giao thông, trẻ em đến trường được an toàn”.

Là một trong nhiều giáo dân tiêu biểu ở buôn Dlung 1A, gia đình ông Y Bơ Buôn Krông đã phá dỡ tường rào, gara ô tô và hiến 100 m2 đất thổ cư để làm tuyến đường bên hông nhà. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục dời hàng rào vào để mở rộng đường giao thông trục chính trước nhà. Khi được hỏi có tiếc những tấc đất đã hiến không, ông Y Bơ cười và nói: “Việc hiến đất mở đường đối với bà con giáo dân nơi đây là chuyện bình thường. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng” nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội nhất là được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẵn lòng bỏ công sức, của cải để việc đi lại được thuận lợi, buôn làng được khang trang”.

Đối với giáo dân Vũ Quốc Khanh (ở thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin), được góp sức vào các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương là một niềm vui lớn. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới do xã phát động, ông Khanh đã tự nguyện đóng góp 30 triệu đồng để lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn xã, tiên phong hiến 200 m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông nông thôn. Đồng thời phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của thôn vận động bà con chung sức đồng lòng, đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội thôn thêm khang trang, sạch đẹp...

Với tấm lòng sẻ chia, trợ giúp để những mảnh đời kém may mắn có cơ hội vươn lên, ông Khanh còn sẵn lòng hiến 1 sào đất giúp 5 người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã có đất làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Hằng năm, cùng với việc đóng góp cho các quỹ từ thiện, ông Khanh còn trực tiếp thăm hỏi, tặng quà người già neo đơn, người dân khó khăn trong vùng. Nghĩa cử cao đẹp này đã được ông và gia đình duy trì suốt 20 năm qua.

Khơi nguồn sức mạnh

Toàn tỉnh hiện có trên 600.000 tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 32% dân số), sinh hoạt chủ yếu tại 4 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Để phát huy vai trò của tín đồ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn kết với các tôn giáo. Qua đó “khơi” được nội lực trong cộng đồng người có đạo cùng thực hiện mục tiêu chung.

Giáo dân Vũ Quốc Khanh (bên phải) ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) hiến đất mở rộng đường giao thông. 

Các tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tích cực tham gia công tác xã hội, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó đạo - đời, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Lê Xuân Sương

Với 54,9% dân số là người có đạo, sinh hoạt tại 41 cơ sở tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, thời gian qua, thị xã Buôn Hồ đã chú trọng huy động đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Qua đó, các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo đã phát huy vai trò trách nhiệm, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ thị xã, các tổ chức tôn giáo đã tham gia ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 được trên 40 triệu đồng, huy động các nguồn lực hỗ trợ bà con trong vùng dịch những nhu yếu phẩm thiết yếu, trang thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại địa phương với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các chức sắc, chức việc trên địa bàn thị xã cũng đã tích cực, chủ động tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết những vụ việc liên quan đến tôn giáo, tín đồ, tổ chức. Từ đó góp phần giúp Đảng bộ thị xã Buôn Hồ hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra.

Tại huyện Cư Kuin, với trên 57% dân số là người có đạo, công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo được chú trọng. Qua đó, đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các tín đồ tôn giáo tham gia công tác xã hội từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, động viên các hộ là tín đồ tích cực lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiều tổ chức, cá nhân là tín đồ các tôn giáo đã tích cực hỗ trợ xây dựng trường học, đóng góp ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng rào, phá bỏ cây trồng để mở rộng đường làng, ngõ xóm quy hoạch xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hơn 217.000 tín đồ trên địa bàn tỉnh đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam các cấp phát động; thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ năm 2018 đến 2022, bà con giáo dân đã tự nguyện đóng góp trên 13 tỷ đồng xây dựng đường bê tông tại các khu dân cư, làm cầu cống kiên cố. Nhiều giáo xứ, họ đạo đã tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà, duy trì bữa ăn, nồi cháo tình thương, đầu tư xây dựng trường học, khu vui chơi, thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ, tặng học bổng, dụng cụ học tập… góp phần vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc trẻ em và công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Yến Lan - Như Hồng