Đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu góp sức làm đẹp quê hương

(Mặt trận) -Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ngày càng được nâng cao. Cùng với đó là sự sâu sát của các cấp chính quyền trong việc định hướng, chung tay cùng người dân thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, nhờ vậy mà phum sóc ngày càng “thay da đổi thịt”.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

 Người dân ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới) ra quân trồng hàng rào cây xanh (ảnh trên) và cảnh quan đẹp mắt hai bên đường về xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân). Ảnh: C.L

Dân biết, dân làm…

Từ các phong trào, cuộc vận động đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể đồng bào Khmer luôn đi đầu trong mọi hoạt động và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình là mô hình “Nhà sạch - vườn xanh - đường, sông không rác” ở ấp Bà Ai II của xã Lộc Ninh; mô hình “Trồng hàng rào cây xanh” ở ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân); mô hình “Trồng hàng rào cây xanh, giữ gìn an ninh trật tự” của đồng bào Khmer ở ấp 17 (xã Phong Tân, TX. Giá Rai); hay như phong trào “Hiến đất làm lộ giao thông nông thôn” ở ấp Đay Tà Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi)… Tất cả các phong trào này được bà con Khmer trong ấp cùng nhau bàn bạc, thực hiện và phát huy. Qua đó, góp phần xây dựng bộ mặt phum sóc ngày càng khang trang, đổi mới, biến những vùng nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống.

Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình “Thắp sáng đường quê” của địa phương, cũng như phong trào xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu hội đủ các điều kiện sáng - xanh - sạch - đẹp, bà con Khmer đã cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để trồng hàng rào cây xanh dọc theo các tuyến đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Ông Sơn Sóc Khol - người có uy tín trong đồng bào Khmer ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Từ khi đường làng, ngõ xóm được thông thoáng, đời sống được nâng lên, đồng bào Khmer trong phum sóc cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng cảnh quan môi trường xung quanh, nhất là việc trồng hàng rào cây xanh, lắp đèn chiếu sáng trước nhà, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương…, nhờ vậy mà bộ mặt phum sóc ngày càng khang trang, hiện đại hơn”.

…Và dân thụ hưởng

Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới, trong các phum sóc, đồng bào Khmer ai nấy cũng đều hưởng ứng, chung sức đồng lòng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất làm đường, mỗi gia đình tự xây dựng nếp sống văn hóa; tham gia nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; cùng chính quyền vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cầu bê-tông… nhờ vậy, bộ mặt phum sóc được cải thiện đáng kể.

Về lại các phum sóc trên địa bàn tỉnh hôm nay, dễ dàng nhận thấy các tuyến đường đã được nối liền nhau, cảnh con đường lầy lội, sình bùn đã là chuyện của quá khứ. Đồng bào Khmer giờ đây ra đồng trên những con đường bê-tông vững chãi; những căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát trước kia giờ đã được thay bằng những căn nhà tường đẹp đẽ. Phum sóc đã khoác lên mình bộ mặt của sự phát triển, văn minh.

Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Là địa phương có đồng bào Khmer sinh sống khá đông, lại nằm ở vùng sâu, vùng xa; trước đây, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới huyện Hồng Dân có xuất phát điểm thấp, hạ tầng giao thông yếu kém, đời sống kinh tế sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Tuy vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Quan trọng hơn là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tính tự giác và chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương tiến lên phát triển, văn minh đã được bà con đồng bào Khmer phát huy rất tốt”.

Chí Linh