Đồng bào Khmer phấn khởi đón mừng lễ Sene Dolta

(Mặt trận) - Vượt qua những yếu tố bất lợi của thời tiết và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nông dân Sóc Trăng vẫn có được vụ mùa sản xuất thắng lợi cả về năng suất lẫn giá bán. Đối với đồng bào Khmer Sóc Trăng, niềm vui như được nhân lên thêm khi những ngày lễ truyền thống Sene Dolta đang đến gần.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Phum sóc như được tiếp thêm động lực và sức sống mới trong những ngày lễ và vụ sản xuất tới.

Trên các cánh đồng lúa thuộc huyện Mỹ Xuyên, không khí thu hoạch lúa đang được người dân trên địa bàn đẩy nhanh thu hoạch. Nét mặt rạng rỡ của những người nông dân đã khẳng định về một vụ sản xuất trúng mùa, được giá. Theo các hộ dân trên địa bàn xã Thạnh Quới, năm nay, giá lúa được thương lái thu mua rất cao, cao hơn các vụ sản xuất trước từ 500-1.000 đồng/kg.

Anh Trà An Điều (ấp Ngọn) cho biết, giá lúa năm nay tăng cao so với các vụ trước khiến nông dân ai cũng vui mừng. Thời tiết năm nay thuận lợi cho sản xuất nên năng suất lúa tăng lên. Vụ này, gia đình anh Điều sản xuất được trên 1 ha lúa giống Hầm Châu, năng suất đạt gần 1 tấn/ha. Với giá thu mua 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh còn lãi trên 15 triệu đồng/ha. “Được mùa được giá thì đón lễ Sene Dolta lớn rồi”, anh Trà An Điều hồ hởi.

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương thu hoạch lúa hè thu sớm nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhờ trúng mùa được giá, nông dân trên địa bàn huyện vô cùng phấn khởi.

Theo nhiều nông dân, với mức giá thu mua lúa của thương lái hiện nay, lợi nhuận thu từ vụ sản xuất vừa qua rất khá. Với năng suất bình quân đạt gần 8 tấn/ha, giá bán từ 5.500-6.300 đồng/kg, trừ xong các khoản chi phí, nông dân thu lãi trung bình khoảng 20 triệu đồng/ha.

Ông Võ Minh Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: Nếu so sánh với các vụ sản xuất trước, lợi nhuận thu được từ vụ sản xuất năm 2020 cao hơn từ 1-2 triệu đồng trên mỗi công (1.000 m2). Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, dù giai đoạn đầu vụ sản xuất có gặp những khó khăn nhất định, song đến ngày thu hoạch ai nấy đều phấn khởi.

Chung niềm vui với các hộ dân sản xuất lúa, các hộ dân trồng màu cũng rất vui khi tới thời điểm thu hoạch cây màu vừa trúng mùa, được giá, lại cận với những ngày lễ Sene Dolta truyền thống của dân tộc.

Ghi nhận tại xã Đại Tâm và xã Tham Đôn, hai địa phương chuyên canh màu lớn nhất của huyện Mỹ Xuyên, cây màu được giá và ổn định đầu ra đã giúp cho các hộ dân trồng màu yên tâm tiếp tục sản xuất.

Theo các hộ dân trồng hẹ (loại cây màu thu được cả bông và lá), từ đầu năm đến nay, giá của hẹ bông luôn ổn định, mức giá đạt trên 20.000 đồng/kg, khiến cho cây màu này vẫn là cây màu mang lại lợi nhuận lâu bền, ổn định nhất với đồng bào Khmer nơi đây.

Ông Lý Ên ở ấp Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm) cho biết, năm nay gia đình ông trồng trên 2.000 m2 hẹ bông, mỗi tháng gia đình thu hoạch được trên 10 đợt bông (mỗi đợt cách nhau 2 ngày), mỗi đợt được trên 30 kg bông. Với giá bán trên 20.000 đồng/kg, mỗi đợt gia đình ông Lý Ên thu về trên 600.000 đồng, chưa trừ chi phí.

Bà Huỳnh Thị Tha ở cùng ấp Đại Nghĩa Thắng cho biết, gia đình bà vừa thu hoạch xong hơn 1.000 m2 hẹ lá, trừ chi phí xong còn thu lãi trên 5 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ thu hoạch hẹ lá, gia đình đang chuẩn bị mừng đón lễ Sene Dolta tươm tất, chu đáo hơn mọi năm.

Theo chia sẻ của bà Huỳnh Thị Tha, trồng hẹ có lợi thế là khi hẹ hết bông sẽ thu hoạch lá để “kích” cho hẹ ra bông. Khi hẹ có bông thì thu hoạch bông hẹ để bán. Cứ thế xoay vòng, người trồng lúc nào cũng có thu nhập. Hẹ càng nhiều bông thì người trồng càng được lợi.

Theo ông Tăng Trung Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tham Đôn, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tận dụng đất bờ kênh, cũng như chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây hẹ và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ cây màu này.

Lễ Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 16-18/9. Nhân dịp lễ Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đến đồng bào Khmer như tổ chức thăm viếng, tặng quà tại 92 điểm chùa Khmer trong tỉnh; gặp gỡ, động viên, chúc mừng người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, cán bộ lão thành, gia đình chính sách, hưu trí, người dân tộc tiêu biểu, hộ gia đình Khmer nghèo, khó khăn.

Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ còn có tên gọi khác là Pchum Ben, nghĩa là mùa tựu phúc đức. Lễ Sene Dolta là một là một trong những lễ mang ý nghĩa lớn về lòng hiếu kính của con cháu, thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà và những người đã khuất. Đây là một trong 3 lễ truyền thống lớn của đồng bào Khmer Nam bộ (gồm Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta và Lễ hội đua ghe ngo Ok Om Bok).