Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước một lòng tin Đảng: Cầu nối ý Đảng – Lòng dân

(Mặt trận) -Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, các già làng, người có uy tín, đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu tỉnh Bình Phước đã vận động bà con phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời nhận diện thủ đoạn của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để chung sức, đồng lòng vì sự hội nhập, đi lên của Bình Phước.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

Hạt nhân tiêu biểu

Bình Phước hiện có khoảng 199.000 người DTTS, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, trong đó có 364 người uy tín, 95 già làng. Giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã thực hiện bình xét và công nhận 1.846 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thành phần người có uy tín, già làng ở Bình Phước rất đa dạng, có cả cán bộ hưu trí; cán bộ thôn, ấp; chức sắc, chức việc các tôn giáo; người sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cùng với hỗ trợ kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng phát huy thế mạnh của già làng, người có uy tín tiêu biểu và phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS. Thực hiện Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu và sinh viên DTTS. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ già làng, người có uy tín hoạt động, phát huy hết vai trò, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã hỗ trợ kinh phí xăng xe, bảo hiểm y tế và hỗ trợ già làng, người có uy tín hoạt động tích cực nhưng chưa có tên trong danh sách phụ cấp...

 Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao quà tặng các già làng, người có uy tín tiêu biểu năm 2022

Từ sự quan tâm, hỗ trợ đó, những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn mới…

Cùng với đó, các già làng, người uy tín cũng chính là hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt lĩnh vực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Thời gian qua, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu như già làng Lâm Uynh, người Khmer ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; già làng Điểu Vi Rút, dân tộc M’nông ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; ông Hấu Phúc Hỷ, dân tộc Hoa ở thôn 8, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng...

Phát biểu tại hội nghị tổng kết việc thực hiện chính sách đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2022 diễn ra trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh mong muốn già làng, người có uy tín tiếp tục nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của đồng bào mình. Từ đó, nêu gương, định hướng, động viên họ nỗ lực vươn lên. Đồng thời, tuyên truyền để đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục đồng hành với địa phương trong xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Song song đó, lãnh đạo tỉnh rất chú trọng thế hệ đoàn viên, thanh niên DTTS, phát triển những hạt nhân tiêu biểu, nổi trội trong làm kinh tế, hoạt động phong trào... Từ đó tạo “vết dầu loang” để tuyên truyền, hỗ trợ tích cực người dân vùng DTTS. Đề án mô hình “Làng thanh niên DTTS tỉnh Bình Phước” chính là đột phá ấn tượng của tỉnh.

Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như anh Trương Văn Kiên, dân tộc Nùng ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh. Hằng năm, anh Kiên giúp đỡ nhiều hộ khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; cho hộ nghèo vay không tính lãi… Hay anh Lâm Tẹo ở ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản đã vận động người dân đóng góp ngày công và tiền làm cầu, sửa chữa đường khu dân cư các tổ 3, 4, 6; tham gia hòa giải thành công 6 vụ việc trong đồng bào DTTS và duy trì, tổ chức các lễ hội truyền thống của người Tà Mun. Anh La Văn Sanh, dân tộc Tày ở ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú không chỉ nổi lên là người giàu có trong xã, thường xuyên tạo việc làm cho nhiều lao động, anh còn tích cực đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng xã chăm lo cho người nghèo; hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, anh đã hiến hơn 1 ha đất mặt tiền trị giá khoảng 10 tỷ đồng...

 Thanh niên làm kinh tế giỏi Trương Văn Kiên ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh chia sẻ kinh nghiệm với người dân địa phương

Công tác phát triển nguồn nhân lực, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Hiện nay, tỉnh có gần 1.500 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; trong đó, nhiều người được bố trí, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo cao trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực phản động

Để hỗ trợ tích cực theo chiều sâu trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 3.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc và 10 lớp đào tạo, dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS vào năm 2021. Đây sẽ là nguồn quan trọng thông qua các hoạt động truyền thông để trợ giúp pháp lý, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong đồng bào DTTS. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xóa dần những hủ tục, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện không đúng pháp luật...

Chính nhờ nâng cao hiểu biết, đồng bào DTTS ngày càng cảnh giác, nhận diện được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Người dân còn trở thành nguồn tin báo cho lực lượng chức năng những thông tin giá trị. Theo đó, cơ quan chức năng đã xử lý 92 đối tượng tham gia hoạt động các hội, nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận; các hiện tượng tôn giáo mới, "tà đạo", "đạo lạ"; xử lý 34 trường hợp đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức, 6 trường hợp là người DTTS, từ đó nhắc nhở, răn đe, giáo dục... Bên cạnh đó, tiến hành phản biện trực diện với hơn 1.000 tài khoản; phát hiện hơn 200 trường hợp chia sẻ thông tin sai trái, thù địch và đã xác minh, xử lý hơn 50 trường hợp, xử phạt hành chính 183 trường hợp...

Ông Điểu Khô, già làng cũng là người có uy tín ở xã Phước An, huyện Hớn Quản chia sẻ: Với cương vị, trách nhiệm là già làng, người có uy tín, trước hết gia đình mình phải gương mẫu chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương, đồng thời động viên, vận động người thân, bà con đồng bào cùng thực hiện. Bản thân cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và ban ấp tham mưu cấp trên về an ninh trật tự trên địa bàn và cách thức để bà con đồng thuận phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại ấp.

Sự quan tâm cùng các chính sách đặc thù đã giúp vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước thời gian qua khởi sắc với nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa. Nhờ đó, tỷ lệ xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 giảm 49 xã và 30 thôn so với giai đoạn 2016-2020, hiện còn 5 xã và 25 thôn. Hầu hết thôn, ấp vùng DTTS có nhà văn hóa, khu thể thao, hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt 98,8%... Từ đó, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các địa phương, thay đổi kết cấu hạ tầng ở cơ sở theo hướng toàn diện. Cùng với đó, mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của DTTS trong tỉnh đã nâng lên rõ rệt. Niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được giữ vững, ổn định.

Ngọc Tú - Trịnh Quân