Đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên sống tốt đời, đẹp đạo

(Mặt trận) -Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 9 giáo xứ, 65 giáo họ, 21 chức sắc, 458 chức việc, 30.700 tín đồ Công giáo, 49 nhà thờ... Những năm qua, với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động, các cuộc vận động trong đồng bào Công giáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Sau khi nhường đất nông nghiệp cho các khu đô thị, nhiều bà con giáo dân ở tổ 13, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ và có thu nhập ổn định

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Bằng các hoạt động thiết thực, bà con giáo dân đã gắn các phong trào thi đua trong đồng bào Công giáo với các phong trào thi đua yêu nước do tỉnh phát động. Từ đó đã tạo được sự lan tỏa, mang lại những kết quả rất đáng khích lệ. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” là một trong những cuộc vận động được đồng bào hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó, giáo dân các giáo xứ, họ đạo đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi…

Điển hình là ông Lê Văn Chinh, Phó Ban hành giáo, Giáo họ Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), đã tuyên truyền, vận động đồng bào hiến gần 5.000m2 làm đường giao thông. Hay như ông Vicente Nguyễn Văn Tiến, xóm Khuôn, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), không chỉ tích cực vận động nhân dân hiến đất, gia đình ông còn ủng hộ 197 khối bê tông trị giá gần 170 triệu đồng cho địa phương mở rộng 180m đường dân sinh. Tại tổ dân phố số 6, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), đồng bào Công giáo ở đây đã tích cực hiến đất, phá tường rào mở rông đường từ 3m lên 6m...

Không dừng lại ở đó, bà con còn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa. Ở nhiều địa phương, nhiều gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” các cấp; 100% khu dân cư có đông bào Công giáo đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu, như: Tân Khánh, Nhã Lộng (Phú Bình); Yên Sơn, Yên Lãng ( Đại Từ)...

Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong đồng bào Công giáo cũng có bước chuyển biến tích cực; các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông; phòng, chống các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự xã hội ở khu dân cư được đẩy mạnh… Qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Cùng với đó, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên còn tích cực hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững do địa phương phát động. Anh Giuse Nguyễn Văn Trọng, tổ 6, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), là một trong những tấm gương như thế. Sau  hơn 10 năm lập nghiệp, từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, đến nay anh đã gây dựng được mô hình sản xuất cơ khí, nội thất. Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định (khoảng 500-600 triệu đồng/năm), gia đình anh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các ông Phêrô Vũ Văn Dũng, giáo họ Na Lang; bà Maria Nguyễn Thị Thu, giáo xứ Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và ông Giuse Trần Công Nam (Đại Từ) cũng là những điển hình tích cực trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào nêu trên, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Đến nay, 100% trẻ 5 tuổi được đến lớp; trẻ em trong đồng bào Công giáo được phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã được đẩy mạnh đem lại những kết quả thiết thực. Đặc biệt, những vấn đề nảy sinh luôn được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan cùng tháo gỡ, tập trung giải quyết kịp thời, tạo được niềm tin của chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo.

Thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên và đồng bào Công giáo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, hiệp thông, đồng hành, chia sẻ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tùng Lâm