Đồng bào Công giáo tỉnh Phú Thọ tích cực xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Phú Thọ luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sáng tạo, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xây dựng quê hương đất Tổ ngày càng giàu mạnh.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Đồng bào Công giáo trong tỉnh thực hiện tốt phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo” tích cực xây dựng nông thôn mới.- Giáo dân xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 128.000 giáo dân, sinh hoạt ở 35 xứ, 138 họ đạo, có 124 nhà thờ, nhà nguyện. Những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) tỉnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Phú Thọ tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do UBĐKCG Việt Nam phát động, trên cơ sở các tiêu chí được cụ thể hóa bằng 10 nội dung “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong các xứ đạo, họ đạo, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Với mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đồng bào Công giáo đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây con giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh, dịch vụ… Nhiều gia đình Công giáo đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động trong kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho xã hội. Có thể kể đến một số điển hình như: Hộ ông Nguyễn Ngọc Viên, khu Gò Măng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng với mô hình trang trại tổng hợp, trồng bưởi đặc sản xen canh ổi Đông Dư, chanh tứ thì kết hợp nuôi lợn nái, lợn thương phẩm và gia cầm, thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng; hộ ông Phạm Ngọc Bang, xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa đầu tư trồng rừng, trồng chè, trồng lúa, nuôi gia cầm, lợn, thả cá, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng… Bên cạnh đó, bà con Công giáo luôn đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo tích cực tham gia công tác bác ái xã hội, tinh thần bác ái đã lan tỏa trong cả cộng đồng. Nhiều hoạt động thiết thực như ủng hộ tiền, ngày công lao động, vật liệu xây dựng, xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, tu sửa nghĩa trang, tặng quà cho các gia đình chính sách, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí... của giáo dân không chỉ là việc làm phù hợp với giáo lý đạo Công giáo, mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. 

Xây dựng đời sống văn hóa là một nội dung quan trọng được các xứ đạo, họ đạo hướng tới. Thời gian qua, các xứ, họ đạo tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng gia đình có cuộc sống thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm. Hàng năm các hộ giáo dân đều đăng ký và thực hiện các nội dung thi đua được cụ thể hóa bằng các hương ước, quy ước ở khu dân cư. Các hộ giáo dân đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao. Các xứ đạo, họ đạo xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để thúc đẩy phong trào xã hội học tập trong cộng đồng giáo dân. 

Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, đem lại bình yên thôn xóm… Những đóng góp đó của đồng bào Công giáo trong xây dựng đời sống văn hóa được khẳng định qua các năm, số khu dân cư, số gia đình đạt văn hóa tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 số khu dân cư công giáo văn hóa đạt gần 87%, gia đình công giáo văn hóa đạt gần 88%.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo nói chung và các xứ đạo, họ đạo trong tỉnh nói riêng đã rất tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như ủng hộ tiền, hiến đất, ngày công lao động, cây cối, vật kiến trúc… Nhiều hộ Công giáo đã hiến hàng trăm mét vuông đất, cùng nhiều vật kiến trúc có trị giá như hộ các ông: Nguyễn Văn Hạ, khu 1, thị trấn Thanh Thủy hiến trên 400m2 đất, Vũ Văn Bích, khu 1, xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) hiến 250m2; Lê Văn Thành, khu Dân Chủ, xã Tạ Xá (huyện Cẩm Khê) hiến gần 350m2 đất; Nguyễn Ngọc Thân, khu 7, xã Xuân Quang (huyện Tam Nông) hiến 270m2 đất… 

Trong xây dựng chính quyền, đồng bào Công giáo nghiêm túc tham gia học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, hoạt động của MTTQ các cấp và đặc biệt là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Qua đó, nhận thức của đồng bào Công giáo được nâng lên, chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người Công giáo có uy tín đã tham gia giữ những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh. 

Có được những kết quả đó là do các cấp ủy Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp và các đoàn thể tỉnh Phú Thọ đã luôn quan tâm, chăm lo mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Công giáo. Qua đó, càng củng cố thêm niềm tin của đồng bào Công giáo với Đảng, Nhà nước; tình đoàn kết giữa đồng bào Công giáo với các tầng lớp nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường. Đồng bào Công giáo phấn khởi, tin tưởng thực hiện tốt phương châm “kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng góp sức xây dựng và bảo vệ  quê hương, đất nước.

Lê Kiêm