Đồng bào công giáo tỉnh Phú Thọ tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) -Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 133 ngàn giáo dân, chiếm trên 10% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, đồng bào công giáo trong tỉnh luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết góp phần xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu đẹp.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Ông Lê Kiêm Toàn- Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Phú Thọ tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. 

 Giáo dân xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ tặng nước, sữa cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn.

Để góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo, các xứ đạo, họ đạo trong tỉnh đã tích cực ủng hộ tiền, hiến đất, ngày công lao động, cây cối, tự nguyện tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc… làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều hộ đã hiến hàng trăm mét vuông đất, cùng nhiều vật kiến trúc có trị giá như hộ các ông: Nguyễn Văn Hạ, khu 1, thị trấn Thanh Thủy hiến trên 400m2 đất; Lê Văn Thành, khu Dân Chủ, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê hiến gần 350m2 đất; Nguyễn Ngọc Thân, khu 7, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông hiến 270m2 đất…

Bí thư Chi bộ khu 3 xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, đồng chí Phạm Hữu Hoàng cho biết: Khu 3 có 154 hộ với 545 nhân khẩu, 100% là đồng bào công giáo, những năm qua, người dân trong khu đã tích cực tham gia góp sức để xã Hoàng Xá sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Mới đây, bà con tiếp tục hiến đất, đóng góp tiền, công sức để mở rộng, đổ bê tông một số tuyến đường, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho người dân, đóng góp xây dựng khuôn viên, tường rào nhà văn hóa khu dân cư, làm sân bóng chuyền. Ngoài ra, hàng tuần, bà con giáo dân còn tích cực tham gia vệ sinh môi trường để giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, trồng thêm hoa, cây cảnh dọc những con đường để diện mạo nông thôn mới thêm khởi sắc.

Với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, các địa phương đã phối hợp với Hội đồng giáo xứ để vận động bà con giáo dân thực hiện dồn đổi ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó, khá nhiều mô hình kinh tế của giáo dân mang lại hiệu quả cao như nuôi tôm càng xanh; chăn nuôi, trồng cây ăn quả; nuôi ong mật, trồng dưa, làm nghề mộc dân dụng… Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp, công ty do bà con công giáo làm chủ đã phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, các hộ công giáo cũng luôn đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Song song với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa là một nội dung quan trọng được các xứ đạo, họ đạo hướng tới, bà con giáo dân tích cực xây dựng gia đình có cuộc sống thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao. Việc học của con em giáo dân ngày càng được quan tâm, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Các xứ đạo, họ đạo đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để thúc đẩy phong trào  học tập trong cộng đồng giáo dân. Bên cạnh đó, nhiều xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương…

Từ sự đóng góp tích cực của giáo dân ở các xứ đạo, họ đạo, nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo đã đạt chuẩn nông thôn mới như: Xã Hoàng Xá, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy; xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba... mới đây, xã Hương Lung huyện Cẩm Khê cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

 Giáo dân xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê hỗ trợ lực lượng y tế ghi thông tin của người dân đến tiêm phòng COVID-19.

Tích cực tham gia phòng, chống COVID-19

Không chỉ tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo còn tích cực tham gia các hoạt động bác ái, nhân đạo, từ thiện. Nhiều hoạt động thiết thực như ủng hộ tiền, ngày công lao động, vật liệu xây dựng, xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, tu sửa nghĩa trang, tặng quà cho các gia đình chính sách, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí... của giáo dân không chỉ là việc làm phù hợp với giáo lý đạo công giáo mà còn phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách” góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 

Thời gian gần dây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn biến phức tạp, thực hiện phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” và tinh thần trách nhiệm, đồng bào công giáo trong tỉnh đã cùng với các cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đồng lòng, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Các chức sắc, chức việc phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; ngừng cử hành Thánh lễ với sự tham dự trực tiếp của giáo dân; tăng cường tổ chức các Thánh lễ trực tuyến...

Các giáo dân tích cực tham gia vào các tổ COVID cộng đồng, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, quản lý di biến động của dân cư, nắm bắt và rà soát công dân trở về từ vùng có dịch; cùng với lực lượng chức năng vận động người dân chủ động khai báo y tế; theo dõi, giám sát các đối tượng cách ly, lập danh sách, tuyên truyền vận động người dân đăng ký tiêm phòng COVID-19. 

Thông qua Ủy ban MTTQ các địa phương, giáo dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tích cực ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chắn giọt và các nhu yếu phẩm khác cho lực lượng tuyến đầu chống dich, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, khẳng định truyền thống gắn bó, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, chung sức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Phương Thanh