Đồng bào công giáo huyện Vĩnh Lộc chung sức xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Những năm qua đồng bào công giáo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều cách làm hay, góp phần quan trọng để xây dựng huyện Vĩnh Lộc trở thành huyện khá của tỉnh Thanh Hóa vào năm 2025.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Gia đình chị Đỗ Thị Khanh, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Pháp Ngỡ, xã Vĩnh Hòa hiến hơn 200m2 đất để mở rộng đường.

Đồng thuận hiến đất...

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi về thôn Pháp Ngỡ, xã Vĩnh Hòa, không khí lao động trong thôn rất sôi động, người thì phá bỏ tường rào, người thì đánh hồ, thồ gạch, tiếng cười, tiếng nói râm ram cả một vùng quê yên bình.

Vừa xây xong bức tường gạch kiên cố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Pháp Ngỡ Đỗ Thị Khanh dẫn chúng tôi đi dọc tường rào nhà mình và nói: “Thực hiện phong trào hiến đất xây dựng xã NTM nâng cao, gia đình tôi hiến hơn 200m2 đất, đồng thời bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua cát, xi măng và thuê công xây tường. Còn gạch thì xã và bà con trong thôn hỗ trợ. Mặc dù vừa mất công, vừa mất đất, nhưng tôi thấy rất vui. Vui vì con đường nhỏ, hẹp trước kia nay được rộng mở, đồng nghĩa với việc xe cộ đi lại thuận lợi hơn. Giờ chỉ đợi Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để Nhân dân sớm có con đường đẹp”.

Không có nhiều đất để hiến như chị Khanh, nhưng vợ chồng ông Trần Văn Vẽ, 69 tuổi sẵn sàng phá dỡ một gian nhà để mở rộng đường. “Mặc dù kinh tế gia đình đang rất vất vả, con cái phải đi làm ăn xa, thậm chí chúng tôi đang phải vay ngân hàng, trả lãi hàng tháng, nhưng khi thôn, xã vận động hiến đất, mở rộng đường, vợ chồng tôi đã quyết định phá bỏ gian nhà cấp 4 để lấy đất làm đường. Giờ vợ chồng tôi đang phải ở nhờ nhà con trai, chưa có điều kiện xây nhà mới để ở, nhưng thấy rất phấn khởi, vì sắp tới con đường sẽ rộng mở ngay trước nhà”, ông Vẽ cho biết.

Trò chuyện với bí thư chi bộ thôn Pháp Ngỡ Trịnh Ngọc Hoan, chúng tôi được biết, Pháp Ngỡ là thôn công giáo toàn tòng; những người sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì việc chung của thôn không chỉ mình chị Khanh, ông Vẽ mà toàn thôn có 165 hộ, thì có 62 hộ thuộc diện phải hiến đất, giải phóng công trình trên đất để mở rộng đường. Thời điểm chúng tôi đến thôn đã có 59 hộ hiến đất và các công trình trên đất, với gần 5.000m2; còn 3 hộ vướng vào nhiều hạng mục công trình trên đất nên thôn, xã đang tiếp tục vận động và tìm giải pháp giúp đỡ các hộ dân.

Ông Trịnh Ngọc Hoan cho biết: “Để vận động được bà con đồng thuận thì đảng viên phải là những người tiên phong đi trước trong việc hiến đất, mở rộng đường. Toàn chi bộ Pháp Ngỡ có 7 đảng viên là người công giáo thì có 5 gia đình đảng viên nằm trên các trục đường, nên khi xã có chủ trương mở rộng đường thì các đảng viên đã tiên phong đi đầu trong việc phá bỏ tường rào, hiến đất; hộ ít cũng là 100m2, nhiều 200m2 đất. Khi đảng viên “đi trước, mở đường” đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đến nay, những con đường trong thôn đã được rộng mở. Bà con ai cũng phấn khởi vì hạ tầng giao thông trong thôn sắp được đầu tư đồng bộ”.

Rời thôn Pháp Ngỡ, trên đường về chúng tôi trao đổi với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Nguyễn Văn Truy về giải pháp tạo đồng thuận trong dân, được ông cho biết: “Đời sống đồng bào ở công giáo thôn Pháp Ngỡ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc huy động sức dân đóng góp xây dựng nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn là rất khó. Song, để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024, cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Hòa đã huy động bà con hiến đất, mở rộng đường".

Để đỡ “gánh nặng” cho các hộ hiến đất, các đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy xã thường xuyên xuống tham dự các cuộc họp của thôn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời, tìm ra giải pháp phù hợp để Nhân dân đồng thuận. Bà con đã lựa chọn góp tiền mua 50% (khoảng hơn 6 vạn) gạch cho các hộ dân hiến đất, 50% số gạch còn lại lãnh đạo xã kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ bà con. Tổng số gạch để xây lại tường cho các hộ hiến đất của thôn Pháp Ngỡ là hơn 13 vạn viên. Việc còn lại, Ban công tác Mặt trận khu dân cư thôn căn cứ từng hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để hỗ trợ xây dựng hoặc vận động các hộ tự nguyện bỏ tiền công ra xây dựng. Cứ như vậy, trong thời gian ngắn các tuyến đường trong thôn đã rộng mở.

“Đây có thể nói là thành công lớn của cấp ủy đảng, chính quyền xã Vĩnh Hòa trong việc chỉ đạo sát sao, luôn lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời làm tốt công tác vận động, phối hợp với hội đồng giáo xứ và các giáo họ trong việc vận động bà con giáo dân chung sức thực hiện các phong trào thi đua của địa phương, tạo mối đoàn kết lương giáo ngày càng thêm gắn kết”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa nhấn mạnh.

Lan tỏa tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”

Huyện Vĩnh Lộc hiện có 5 xứ đạo công giáo, 2 cộng đoàn mến Thánh giá, 21 giáo họ với 1.692 hộ, 7.037 nhân danh, chiếm 7,87% dân số toàn huyện, cư trú chủ yếu ở 35 khu dân cư của 11 xã, thị trấn; 8 xã có giáo họ, 4 họ giáo có nhà thờ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Lộc Trịnh Thị Mến, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, những năm qua đồng bào công giáo trong huyện đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, đồng bào đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế bền vững. Hiện, toàn huyện có trên 400 hộ công giáo có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm trở lên, có nhiều gia đình công giáo làm kinh tế giỏi, điển hình, như: Công ty sản xuất và thương mại Tiến Hà (thuộc giáo xứ Nhân Lộ, thị trấn Vĩnh Lộc) có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, thu hút từ 50 - 100 lao động có việc làm thường xuyên; gia đình ông Lê Văn Đông và nhiều doanh nghiệp tư nhân (giáo xứ Kẻ Bền, xã Minh Tân) mở xưởng sản xuất đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên; nhiều gia đình ở giáo xứ Đồng Mực, xã Vĩnh Hùng đầu tư phát triển trồng rừng kết hợp với chăn nuôi trâu, bò đem lại nguồn thu nhập ổn định; hay ở giáo xứ Bản Thủy, xã Vĩnh Thịnh có nhiều gia đình có từ 1 đến 2 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập cao...

Bên cạnh đó, đồng bào công giáo trong huyện còn chung sức xây dựng cộng đồng dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; tích cực đóng góp XDNTM, đô thị văn minh. Điển hình như bà con giáo dân xứ Kẻ Bền đóng góp gần 1 tỷ đồng để nhựa hóa 600m đường giao thông trong xã; giáo họ Bồng Trung (xã Minh Tân) đóng góp 350 triệu đồng, bê tông hóa 400m đường giao thông nông thôn; giáo xứ Đồng Mực (xã Vĩnh Hùng) đóng góp 370 triệu đồng, bê tông hóa hơn 1 km đường giao thông nông thôn; bà con giáo họ Quan Nhân (xã Vĩnh Quang) hiến 3 ha đất, hàng nghìn ngày công tu sửa đường vào thôn...; đồng bào công giáo trên địa bàn huyện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo; thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo phương châm “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Nhờ vậy, đã lan tỏa tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo” trong cộng đồng dân cư, xây dựng bộ mặt nông thôn trong toàn giáo xứ ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đời sống của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện, nâng lên cả về vật chất, lẫn tinh thần, góp phần đem lại cuộc sống bình yên, no ấm cho mọi người, mọi nhà.

Thu Hà