(Mặt trận) -Đồng bào các tôn giáo là hạt nhân quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.
|
Đồng bào công giáo xã Hưng Khánh tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Giáo xứ Bảo Ái là giáo xứ vùng nông thôn hiện có 412 hộ gia đình, 1.524 nhân danh thuộc 4 xã gồm: Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân, Tân Hương của huyện Yên Bình. Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền các xã đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con giáo dân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Đào Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Bảo Ái cho biết: "Đồng hành cùng với địa phương, bà con giáo dân luôn phát huy truyền thống yêu nước, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành quản lý của chính quyền, tán thành và hưởng ứng chương trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động từ thiện, nhân đạo”.
Từ 2022 đến năm 2024, Giáo xứ đã hỗ trợ, giúp đỡ 24 hộ bà con giáo dân vươn lên thoát nghèo với tổng giá trị 43 triệu đồng; vận động hỗ trợ gia đình chính sách về tiền mặt, ngày công lao động với tổng giá trị 18 triệu đồng. Ban Hành giáo các họ thường trích từ 1 - 2 triệu đồng mỗi tháng để làm từ thiện, bác ái và vận động bà con giáo dân, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, học sinh nghèo vượt khó về hiện vật và tiền mặt trung bình mỗi năm từ 20 - 30 triệu đồng. Trong 3 năm, Giáo xứ đã hỗ trợ 9 đối tượng người tàn tật và học sinh nghèo vượt khó mỗi năm 13 triệu đồng. Hưởng ứng cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Giáo xứ đã vận động ủng hộ quỹ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ hàng năm từ 3- 4 triệu đồng.
Ông Tuấn khẳng định: "Những kết quả đạt được cho thấy bà con giáo dân thuộc Giáo xứ Bảo Ái đã đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện các cuộc vận động giúp đỡ hộ nghèo, chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn và kịp thời động viên đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ đồng thời cũng là những người trực tiếp được hưởng các chính sách, nguồn lực về y tế, giáo dục, bảo hiểm, lao động việc làm và các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế từ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước”.
Thời gian qua, thực hiện các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu cư”, "Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới”, hơn 1.500 tín đồ phật giáo huyện Văn Chấn đã gắn với việc thực hiện 7 phong trào của Phật giáo lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, từ đó góp phần thực hiện hương ước ở khu dân cư; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại địa phương.
Bà Đỗ Thị Quyên - Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Văn Chấn cho biết: Ban trị sự và các tín đồ trên địa bàn huyện đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn các tín đồ và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh qua thực hiện nghiêm túc hương ước khu dân cư, nhất là việc cưới, việc tang thông qua các buổi giảng pháp, sinh hoạt phật tử. Các chư tăng, ni và phật tử là những người nòng cốt, nêu gương để tạo ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Công việc tập trung vào tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng gắn liền với các hoạt động văn hóa, hoạt động tôn giáo để nâng cao nhận thức của nhân dân, phật tử trong việc xóa bỏ hủ tục rườm rà, tốn kém và động viên các cá nhân, tập thể chấp hành tốt...
Bà Quyên khẳng định: "Hiện nay, người dân và các tín đồ phật tử trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện tốt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Mọi người coi trọng việc tổ chức đám cưới văn minh có quy mô phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Việc thực hiện tang lễ, mọi người đã tránh các hủ tục lạc hậu, lãng phí với đa số các gia đình tổ chức gọn nhẹ, hạn chế vòng hoa, bức trướng, ăn uống linh đình”.
Theo ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, thời gian qua, dù còn khó khăn nhưng gần 80 nghìn chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, tính cần cù lao động, sáng tạo, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đồng bào các tôn giáo đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân trong cộng đồng.
Đồng bào các tôn giáo là hạt nhân quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua những việc làm thiết thực như: hiến đất, ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, nhà văn hóa... Tiêu biểu như: ông Đào Ngọc Thanh ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cùng 46 hộ gia đình trên trục đường Tông Co đã tự nguyện hiến trên 100 m2 đất ở, trên 130 m tường rào và 3 cổng kiên cố để mở rộng mặt đường từ 3m lên 5m; ông Đào Duy Sơn ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ vận động nhân dân và bà con giáo dân hiến trên 600 m2 đất, huy động trên 100 ngày công lao động, dỡ tường rào, công trình để xây dựng tuyến đường Nghĩa Tâm; bà Đỗ Thị Quyên - Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và trên 100 ngày công để làm đường giao thông nông thôn...
Hàng năm, toàn tỉnh duy trì 100% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào có đạo đăng ký xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa và có 98% hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt Gia đình văn hóa...
Những kết quả đã đạt được có thể khẳng định các chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo tại tỉnh Yên Bái đã "tương thân tương ái, đoàn kết chặt chẽ thành một khối”, hết lòng vì mọi người, thương yêu đùm bọc nhau, đồng tâm hiệp lực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hoài Văn