''Đòn bẩy'' phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) -Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ bước đầu tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn hứa hẹn mang lại sự phát triển toàn diện, bền vững cho vùng đồng bào DTTS, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, khu vực của tỉnh Lâm Đồng.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Bảo tồn bản sắc văn hóa là một trong những mục tiêu chính của chương trình. Ảnh: Chính Thành

NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ LỚN

Giai đoạn 2019 - 2022, tình hình thời tiết, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, xung đột vũ trang tại một số quốc gia, dẫn đến giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao, tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi Thủ tướng ký Quyết định 1719 Phê duyệt Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I năm 2021 - 2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1920 phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình ở địa phương giai đoạn 2022 - 2025.

Chương trình gồm 10 dự án, với tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 là 1.734 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách là 1.264 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách là 452 tỷ đồng và 18 tỷ đồng được huy động từ các nguồn khác. “Khoảng 80% nguồn vốn này được tập trung cho các dự án nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Qua đó, giúp người dân vùng đồng bào DTTS sớm ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững”, ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết. 

Sau gần 2 năm triển khai, chương trình đã giúp 743 hộ DTTS ổn định chỗ ở; đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 500 công trình đường giao thông; đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8 Trường Phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; tổ chức 30 hội nghị tập huấn, tuyên truyền chính sách, nâng cao năng lực... cho gần 7.000 lượt cán bộ, người có uy tín và người dân vùng DTTS. Đồng thời, một lượng lớn nguồn lực của Chương trình cũng đã được đầu tư vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, Tày, Nùng, Thái... Nguồn đầu tư này, bước đầu, đã giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đặt nền móng phát triển bền vững cho các vùng đồng bào DTTS sau này.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Theo ông Dơ Woang Ya Gương, kết quả bước đầu này có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, đồng hành và giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chương trình MTQG thực hiện trên địa bàn tỉnh; và sự triển khai thực hiện hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự ủng hộ đồng thuận của đồng bào các DTTS.

Tuy nhiên, ông cho biết, do cơ chế triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn chồng chéo, dẫn đến việc thực hiện còn những khó khăn, không đồng nhất. Định mức hỗ trợ hộ nghèo giữa các chương trình không đồng nhất, khiến cán bộ cơ sở lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, do kế hoạch nguồn vốn được lập vào năm 2019, nên việc xác định nguồn vốn theo địa bàn, đối tượng có độ chính xác không cao. Các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong việc ban hành các văn bản quản lý, điều hành ở địa phương...

Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các nguồn lực vào cuộc sống, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, theo ông Dơ Woang Ya Gương, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng về mục tiêu của chương trình, từ đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân vùng đồng bào DTTS, tạo thuận lợi cho việc tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.
 
Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh hi vọng sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết; cơ chế triển khai được các bộ, ngành hoàn thiện, đồng nhất; mở rộng đối tượng nhận đầu tư, nhất là các thôn không thuộc vùng DTTS nhưng có đông đồng bào DTTS sinh sống; bổ sung kiện toàn bộ máy chuyên môn, chuyên trách… Khi đó, ông Dơ Woang Ya Gương tin rằng, tiến độ triển khai các dự án sẽ được đẩy nhanh, hiệu quả, trở thành động lực quan trọng hỗ trợ vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững, thu hẹp đáng kể khoảng cách với các vùng khác trong tỉnh.

LÂM TRANG