Đối thoại để lắng nghe

(Mặt trận) -Tỉnh Lâm Đồng là một tỉnh có đông đồng bào DTTS, Lâm Đồng đặc biệt quan tâm lắng nghe nguyện vọng của bà con. Qua các cuộc đối thoại trực tiếp, trực tuyến đã giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành chức năng lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của người dân; góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc giữa chính quyền và người dân, tạo mối quan hệ gắn bó, cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn...

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Đại diện đồng bào DTTS kiến nghị nhiều vấn đề còn bất cập liên quan đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Mới đây nhất, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức gặp mặt đối thoại với sự tham dự của gần 50 đại biểu đại diện các tầng lớp Nhân dân trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Sau khi nghe đồng chí Đường Anh Ngữ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tóm tắt kết quả kinh tế - xã hội quý 1/2002, nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2002 của tỉnh và kết quả công tác Mặt trận tỉnh quý 1/2022, nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2022; các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản đồng tình, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; công tác Mặt trận của tỉnh trong quý 1/2022 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; đồng thời, phản ánh, kiến nghị, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh một số nội dung cụ thể.

Nhân dân trong tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng kiến nghị lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm cấp đổi Giấy chứng minh Nhân dân sang Thẻ căn cước công dân cần thực hiện nhanh hơn, tránh để lâu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Về lĩnh vực y tế - một lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày, bà con kiến nghị cần nâng cao chất lượng phục vụ và khám, chữa bệnh đối với người dân có bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Thống nhất giá test COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tránh trường hợp mỗi nơi một giá khác nhau. Hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, nhất là trẻ em nữ trong độ tuổi vị thành niên tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn.

Về lĩnh vực văn hóa, bà con đồng bào DTTS đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số loại bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Có kế hoạch tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của từng dân tộc thiểu số.

Liên quan lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có đại biểu kiến nghị: Việc sắp xếp trường lớp trên địa bàn tỉnh cần đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong việc đi lại được thuận tiện.

Đồng thời, bà con kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm có giải pháp thu hút lao động, giới thiệu việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số khi tốt nghiệp đại học ra trường. Có kế hoạch giải quyết nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình khó khăn.

Liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường - một nội dung “nóng” luôn được dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm, tại nhiều diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp, bà con kiến nghị việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho Nhân dân khi có nhu cầu tách hộ còn rất chậm. Tình trạng bán đất trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều, chưa có biện pháp ngăn chặn dẫn đến việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh...

Trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bà con kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp vật nuôi, cây trồng, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị kinh tế. Quan tâm đề xuất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo quy trình, thời gian cho đồng bào dân tộc thiểu số đã trồng cà phê ổn định nhiều năm. Có kế hoạch phân định rõ diện tích đất nông lâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân an tâm sản xuất nông nghiệp... 

Đại diện người uy tín, già làng cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tham mưu lãnh đạo tỉnh quan tâm nâng chế độ, chính sách cho người có uy tín, già làng, trưởng bản và hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ thôn, tổ dân phố.

Việc tổ chức thường niên đối thoại, gặp gỡ với Nhân dân, với đồng bào DTTS là một hoạt động thiết thực nhằm tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc, đề xuất của bà con. Tuy nhiên, trước mỗi kỳ tổ chức hội nghị đối thoại, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thu hút đông đảo Nhân dân tham gia hội nghị. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các cuộc đối thoại là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đứng đầu sở, ngành, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ được giao. Qua hội nghị đối thoại, cũng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

N.T