Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang

(Mặt trận) -Hậu Giang là tỉnh có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, với trên 30.600 người, đa số đồng bào sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hậu Giang được nâng lên. Đây không chỉ là kết quả từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, mà còn là sự phấn đấu của chính bản thân mỗi người dân nơi đây.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Sơn Thonl thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn mang lại thu nhập ổn định. 

Phum sóc khởi sắc

Chúng tôi về một số xã vùng sâu ở Hậu Giang, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Điều đọng lại trong chúng tôi là nơi đây có nhiều đổi thay, từ những cung đường khang trang, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp đến những ngôi nhà tường san sát..., báo hiệu sự khởi sắc trên những miền quê này.

Đi trên tuyến đường bê tông ấp 8, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) phẳng lì, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ở đây. Điều mọi người dễ nhận thấy nhất đó là không còn cảnh cây tạp, đường lầy lội mỗi khi trời mưa, cỏ dại um tùm như trước đây, mà thay vào đó là những luống rau xanh tốt, tạo nên một làng quê thanh bình, giàu sức sống.

Chỉ tay về tuyến đường xây dựng hoàn thành cách đây hơn 1 năm, ông Danh Nhiều nói: “Tuyến đường này dài trên 1,2km, xây dựng cách đây gần 20 năm, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng không lâu sau lại hư hỏng. Khi xây dựng lại, qua phần đất hộ dân nào, bà con đều tự nguyện hiến đất, hoa màu. Từ khi làm xong tuyến đường này đã tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa vận chuyển thuận lợi và bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều thay đổi. Nhờ đó, đời sống của bà con ở đây không ngừng cải thiện, nhiều hộ đã sắm được xe mô tô”.

Có thể nói, sau nhiều năm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ưu đãi, hỗ trợ đồng bào DTTS, nhiều gia đình người Khmer ở xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã thoát nghèo bền vững.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn Thonl, ở ấp 6, xã Vị Thủy cho biết, trước kia, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sau khi sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước để chuộc lại phần đất gia đình đã cầm cố trước đây, kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, được chính quyền địa phương bình xét cho vay 50 triệu đồng, ông đầu tư chăn nuôi, đặc biệt dùng để mua phân bón, thuốc trừ sâu cho diện tích trồng lúa. Sau một năm, với 3 vụ lúa làm được, trừ các loại chi phí, gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng. So với những năm trước, thu nhập của gia đình ông tăng thêm từ 20-30 triệu đồng, do tiết giảm được chi phí chăm sóc ruộng lúa. Căn nhà lá xưa kia của ông Thonl đã được thay thế bằng căn nhà xây khang trang, có hàng rào bao quanh, ông còn sắm được xe gắn máy và đầy đủ đồ dùng trong gia đình.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết: Trước đây, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Vị Thủy còn tương đối cao; gần đây, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào DTTS và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà số hộ nghèo ở xã đã giảm, hộ khá, giàu tăng lên.

“Điều đáng mừng là cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc đã khác, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà nỗ lực, quyết tâm hơn trong sản xuất, làm giàu từ chính từ đôi tay, khối óc của mình. Từ đó, không ngừng xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập trăm triệu đồng/năm như mô hình trồng cây ăn trái, nuôi ba ba, lươn... Đời sống của người dân được nâng cao nên việc huy động sức dân trong xây dựng NTM được thuận lợi. Hiện nay, xã tiếp tục củng cố 19 tiêu chí NTM và hướng tới các tiêu chí NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân đạt 51,762 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 1,46% (tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo là 2,7%” - ông Kính nói.

Phát triển bền vùng đồng bào Khmer

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, nâng cao mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS.

 Đào tạo nghề để người dân có việc làm, tăng thu nhập là một trong những chính sách thiết thực góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư. Nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào DTTS và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, hộ nghèo đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang đã giảm đáng kể từ 32,15% vào cuối năm 2016 xuống còn 13,24% vào cuối năm 2022. Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng NTM...”.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hộ nghèo DTTS (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 2%/năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 150 mô hình, dự án giảm nghèo; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm; phấn đấu 50% xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 92% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề...

“Để thực hiện các mục tiêu trên, Hậu Giang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS” - bà Ánh nói.

Sự đổi thay ở phum sóc hôm nay minh chứng cho sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, địa phương trong thời gian qua. Đây là động lực giúp đồng bào DTTS thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

P.N