(Mặt trận) -Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhiều thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện. Nhiều địa bàn trở thành những điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
|
Người dân bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) sử dụng nước từ công trình nước sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La. |
2 năm trở về trước, bản Huổi Điết được xếp vào diện khó khăn nhất của xã Mường Tùng (huyện Mường Chà). Thời điểm đó, Huổi Điết chưa có đường bê tông, chỉ có đường dân sinh ven đồi, ven suối, đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất vào mùa mưa. Cùng với giao thông khó khăn, bản cũng chưa có điện lưới quốc gia. Cả bản có hơn 30 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 90%.
Với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước (chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số...) cùng với sự nỗ lực của người dân, bộ mặt nông thôn Huổi Điết đã khởi sắc. Đặc biệt, khó khăn về giao thông và điện lưới quốc gia đã được giải quyết.
Anh Sùng A Xìa, Bí thư Chi bộ bản Huổi Điết, cho biết “Bản nay đã có đường bê tông, điện sáng từ nhà ra ngõ nhưng đổi thay lớn nhất là cách nghĩ, cách làm của bà con. Người dân trong bản đã biết cách chăn nuôi có chuồng nhốt; sản xuất lúa nước, làm vườn, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau.”
Cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 40km, bản Nậm Sin, xã Chung Chải có 52 hộ dân, với 223 nhân khẩu. Đây là bản người dân tộc Si La sinh sống. Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin kể: Trước đây, đường giao thông vào bản rất khó khăn; nước sinh hoạt, ăn uống phải lấy từ các khe suối, mó nước. Sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp; năng suất, sản lượng thấp do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Cùng với đó tình hình an ninh trật tự, tội phạm ma túy phức tạp. Cũng vì thế mà bản Nậm Sin được xếp vào diện khó khăn nhất của huyện; một thời gian dài tỷ lệ hộ nghèo của bản gần như 100%.
Thế nhưng, Nậm Sin nay đã khác. Từ sự đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La, bản Nậm Sin đã có bước chuyển mình. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đời sống người dân từng bước nâng lên, trẻ em được đến trường đầy đủ. Tuyến đường vào bản Nậm Sin nối với quốc lộ 4H dài 9,3km và hệ thống đường nội bản dài gần 1km đã được kiên cố hóa, tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi cũng được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt, sản xuất. Đến nay bản Nậm Sin giảm còn 40 hộ nghèo (chiếm 76,9% theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025). Bản cũng được đầu tư xây dựng trường tiểu học và mầm non, học sinh được đến trường thuận lợi, không còn tình trạng trẻ đến tuổi nhưng không được đi học.
Huổi Điết, Nậm Sin chỉ là 2 trong số nhiều thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh đã đổi thay nhờ sự đầu tư, hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm qua. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, riêng các huyện nghèo được phân bổ trên 1.874 tỷ đồng (vốn chương trình 30a và 135) đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn kinh phí trên đã thực hiện đầu tư xây dựng 528 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa; duy tu, bảo dưỡng 157 công trình. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình như: Hỗ trợ thông qua giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng cho gần 2.000 hộ dân và cộng đồng; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất và hỗ trợ gạo cho 536 lượt hộ dân; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho gần 3.000 lượt hộ dân với diện tích gần 634ha; thực hiện 155 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 3.400 hộ tham gia; hỗ trợ hơn 1.500 hộ về máy móc, nông cụ sản xuất...
Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng cao, dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần làm diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có những chuyển biến tích cực. Nguồn vốn từ các chương trình không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất, xóa đói nghèo. Người dân vùng cao đã biết mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thôn bản ngày càng khang trang với những ngôi nhà “3 cứng”.
Vân Phong