Đổi thay từ các chương trình hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Bạc Liêu là tỉnh có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với trên 20.700 hộ, chiếm 9,19% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS như: hỗ trợ xây nhà ở, giúp vốn làm ăn; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... Từ đó góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng đổi thay, phát triển.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Chỉ cách đây hơn một năm, cuộc sống gia đình ông Danh Hon (ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) rất khó khăn do ít đất canh tác, bản thân lại bị khuyết tật, thường xuyên đau bệnh. Do thu nhập không ổn định, việc lo bữa ăn hàng ngày đã khó nên dù căn nhà xuống cấp đã nhiều năm nhưng gia đình vẫn không có điều kiện để sửa chữa.

 Ông Danh Hon (bìa trái) trước căn nhà mới xây kiên cố.

Năm 2020, tin vui đến với gia đình ông Danh Hon khi được UBND xã Ninh Hòa vận động mạnh thường quân cất căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng và hỗ trợ vốn sản xuất. Từ số tiền 5 triệu đồng được hỗ trợ, ông Hon mua vịt giống về nuôi. Có được căn nhà mơ ước, không còn cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa bão về, vợ chồng ông Hon và 2 người con cật lực lao động, đến cuối năm 2020, gia đình ông được công nhận thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, cho biết, toàn huyện hiện có 3.774 hộ DTTS (chiếm 13,62% dân số trong toàn huyện), những năm qua địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo thông qua việc hỗ trợ nhà tình thương, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tặng cây - con giống, hỗ trợ phương tiện sản xuất... Đặc biệt, qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, ngày càng có nhiều công trình cầu, đường, những ngôi nhà nghĩa tình được dựng xây; nhiều lao động DTTS được dạy nghề, giới thiệu việc làm... Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Hơn hết, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào DTTS và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nên hộ nghèo ở huyện đã giảm nhanh; hộ khá, giàu tăng lên. Tính đến đầu năm 2021, toàn huyện chỉ còn 35 hộ DTTS nghèo.

Chính sách ấm lòng đồng bào DTTS

Đối với huyện Hòa Bình, nhờ thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho đồng bào DTTS nên đến nay đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Với 3.369 hộ DTTS, chiếm 12,2% dân số toàn huyện, thời gian qua, huyện Hòa Bình đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng có đông đồng bào DTTS tại địa phương, đồng thời lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống người dân.

Trong năm 2020, từ nguồn vốn các chương trình, chính sách của Trung ương và tỉnh, huyện đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã Minh Diệu, xã Vĩnh Mỹ A và thị trấn Hòa Bình; xây dựng 8 tuyến đường; thực hiện 3 mô hình phát triển sản xuất thông qua việc hỗ trợ con giống (tôm, cua, gà) cho 117 hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho 107 hộ; hỗ trợ tạo nguồn nước sinh hoạt cho 46 hộ; cấp 29.656 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS… “Việc thực hiện các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc. Các công trình điện, đường, trường, trạm… đều được quan tâm đầu tư đồng bộ, khang trang góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành, điều trị bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần, mở rộng giao lưu mua bán giữa các vùng. Nhiều hộ DTTS nghèo đã có nhà ở ổn định, có mô hình sinh kế hiệu quả giúp họ ổn định thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2020, hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện chỉ còn 39 hộ, giảm 122 hộ so với đầu năm; hộ cận nghèo DTTS là 274 hộ, giảm 118 hộ”, bà Trịnh Phương Dung - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hòa Bình, cho biết.

Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các địa phương đối với công tác chăm lo cho đồng bào DTTS nói chung, hộ Khmer nghèo nói riêng đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những sự quan tâm đó đã tạo cơ hội để họ có điều kiện lao động, phát triển sản xuất, tạo ra của cải vật chất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Đồng thời còn tạo được niềm tin, động lực để mọi người hăng say lao động, sản xuất, góp phần đưa kinh tế vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh ngày càng phát triển.

Minh Luân