Đổi thay ở vùng miền núi Quảng Ngãi

(Mặt trận) -Nhiều năm qua, cùng với các chương trình, chính sách dân tộc cộng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi có bước phát triển vượt bậc và đổi thay toàn diện. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Bộ mặt miền núi Quảng Ngãi đổi thay toàn diện.

Nỗ lực thoát nghèo

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng; có 187 nghìn người đồng bào dân tộc Hrê, Ca Dong và Co, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách, dự án, trong đó đáng chú ý là chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.

Đến thời điểm này, vùng miền núi trong tỉnh đã xây dựng được 61 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, năng suất lao động, giúp cải thiện đời sống, thu nhập của bà con.

Điển hình, hộ gia đình ông Đinh Xuân Phăng, ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, từ sự hỗ đầu tư mô hình trồng bưởi da xanh, mít thái với tổng diện tích 1ha, ông đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ, khoa học, kỹ thuật trong khâu chăm sóc, bón phân, tưới nước nên mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Theo Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái, là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực theo phương châm người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện còn triển khai nhiều mô hình như “cán bộ, đảng viên đồng hành cùng nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025”, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Minh Long chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả cao.

Ông Đinh Văn Móp, một hộ nghèo ở thôn An Phương, xã Thanh An, huyện Minh Long bày tỏ, từ ngày được mô hình hỗ trợ máy làm mộc, không phải làm thủ công như trước nên công việc của ông thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là tiết kiệm thời gian và tăng số lượng thành phẩm, kinh tế gia đình cải thiện đáng kể.

“Kinh nghiệm của huyện là chuyển từ hỗ trợ sinh kế theo kiểu “cho không” sang kèm theo điều kiện, để các hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, nỗ lực phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã tiếp cận kiến thức, cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái chia sẻ.

Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt các kỹ thuật và tạo việc làm tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững cộng với các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đã làm cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt kết quả tốt; bình quân từ năm 2020 đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi giảm 4,99%/năm.

Đổi thay toàn diện

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng trưởng, trong đó giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng trưởng ổn định.

Thông qua các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và bố trí nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các dịch vụ sản xuất, bước đầu vùng miền núi trong tỉnh đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, một số sản phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng có bước phát triển; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến.

Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 71,57%. Ngoài ra, còn xây dựng được 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao.

Song song đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi trong tỉnh thời gian qua được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại cho người dân; mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, thôn đang từng bước được cải thiện, nhiều tuyến đường đi đến các vùng nguyên liệu được xây dựng. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% xã có trạm y tế, trường học được kiên cố hóa, 100% xã có điện lưới quốc gia; công trình thủy lợi, chợ, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình điện từng bước được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ dân được sử dụng điện quốc gia đạt 98%; tỷ lệ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Nói về bài học kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho rằng, trước hết phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở các cấp gắn với quy hoạch, đào tạo, sử dụng phù hợp; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia; tranh thủ các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, có ý thức phấn đấu, tự lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm thoát nghèo nhanh, hiệu quả và mang tính bền vững là yếu tố then chốt, từ đó tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng miền núi”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Hiền Cừ