Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tuyên Quang

(Mặt trận) -Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được dân tin, dân hiểu, dân nghe đã làm thay đổi được sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

 Hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đang ngày càng được cải thiện.

Những người nêu gương

Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có khoảng 1.200 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước. Họ đã có những đóng góp tích cực trong vận động nhân dân chung sức kiến thiết xóm làng.

Từng qua nhiều việc, chức vụ, từ công tác Đoàn, Ban Chỉ huy Quân sự xã, rồi Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao ở thôn Bản Pình là người nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên khi ông vận động nhân dân luôn nghe theo.

Năm 2010 ông Ngân nghỉ hưu, nhưng vẫn luôn nhiệt huyết với công việc xóm làng. Vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy, tham gia trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ nước đầu nguồn, ông Ngân cùng nhiều cán bộ tư pháp thường xuyên sử dụng hình ảnh minh họa, tờ rơi để tuyên truyền, phân tích kiến thức pháp luật giúp bà con nắm thông tin nhanh hơn, dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Nhờ có những người như ông Ngân đã giúp người dân ở xã Trung Minh nâng cao kiến thức trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống ngày thêm ấm no. Đến nay, toàn xã hiện có 55 hộ nuôi trâu, với tổng đàn lên đến 700 con.  Trước năm 2015, Trung Minh có tới gần 90% hộ nghèo nay xã còn 18% hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm được trên 10%.

Năm 2016, chị Bàn Thị Mẩy, 27 tuổi, dân tộc Dao, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa là 1 trong 34 người uy tín tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang, đại diện cho trên 2.000 người uy tín trong tỉnh tham dự Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Chị Mẩy là một trong những đại biểu người uy tín tiêu biểu trẻ nhất thuộc 14 tỉnh Tây Bắc tham dự lễ tuyên dương năm đó.

Chị Mẩy cho biết, để nói bà con nghe theo trước hết mình phải làm được. Bởi vậy, chị luôn là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế của thôn. Hiện gia đình chị có 6 con trâu với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn phát triển chăn nuôi lợn đen để cung cấp cho thị trường trong và ngoài xã, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cùng với đó, với diện tích 1.400 m2 đất canh tác, chị thường xuyên áp dụng các biện pháp thâm canh đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất lúa. Gia đình chị còn là hộ đi đầu trong phong trào trồng cây vụ đông ở địa phương.

 Đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, việc chăm sóc sức khỏe, học tập của trẻ em cũng được quan tâm hơn.

Đặc biệt chị đã vận động và đồng hành cùng dân góp tiền, công sức mở đường vào thôn. Điều đặc biệt là năm 2016 vào thời điểm mở đường, gia đình chị Mẩy thuộc diện nghèo, thế nhưng lại đi đầu thực hiện các khoản đóng góp. Có lúc người dân chưa kịp đóng tiền, vợ chồng chị Mẩy ứng trước để trả tiền thuê máy xúc san gạt đoạn đường khó.

Chị Mẩy bảo, khu người Dao mình nghèo một phần là do thiếu đường to, ô tô không đến được thì hàng hóa không được lưu thông, vậy nên nghèo cũng phải cố mà làm đường để mai này cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ ngày có con đường, sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt cũng được giá hơn, bà con phấn khởi lắm. Cuối năm 2016, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện tại, gia đình chị đã làm được ngôi nhà kiên cố. 

Đời sống ngày một nâng cao

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số toàn tỉnh. Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cây con giống, biện pháp kỹ thuật để thay đổi nhận thức, tư duy cho bà con.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vôn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay trên 2.030 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 513 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với trên 13.500 hộ tham gia; hỗ trợ cho trên 4.200 hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí 111 tỷ đồng.

Là địa phương có tới 99% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trực tiếp xuống thôn giải thích cho người dân hiểu. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là một trong những hướng đi được tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện để nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 55%, đến nay đã giảm xuống còn 19%, thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, xã phấn đấu giảm thêm 30 hộ nghèo để từng bước đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Lý Văn Nghĩa, thôn Nà Khau, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa cho biết, trước đây gia đình anh thuộc diện kinh tế khó khăn của xã. Năm 2017, sau khi được UBND xã tạo điều kiện cho học nghề nuôi trâu vỗ béo và vay được số tiền 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư làm chuồng trại và chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Hiện gia đình anh Nghĩa có 5 con trâu, 5 con bò, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Năm 2019 gia đình anh Nghĩa đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Từ năm 2015 - 2019, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn được hỗ trợ sản xuất hơn 1 tỷ đồng từ dự án Chương trình 135 cho nhân dân trong xã như mua máy nông nghiệp cho 26 nhóm hộ, 50 hộ nghèo được hỗ trợ mua giống lợn sinh sản, 53 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy cắt cỏ, 6 thôn được hỗ trợ mua máy giống chè năng suất cao, 34 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nuôi ong.

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Ngô Ngọc Khuê, thôn Nà Quang, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn được người dân khâm phục. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lấy ngắn nuôi dài mà cánh rừng 5ha đã được phủ xanh từ cây keo và cây mỡ. Sau 8 năm chăm sóc, những cánh rừng lần lượt cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình anh bớt khó khăn. Từ phát triển trồng rừng anh Khuê xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. 

Có thể thấy, từ các chương trình dự án hỗ trợ của nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đã không ngừng đổi thay. Giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thay đổi bộ mặt nông thôn một cách rõ rệt, từng bước cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân, đồng thời góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đào Thanh