Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

(Mặt trận) -Cờ Đỏ là huyện ngoại thành của TP Cần Thơ, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, điều kiện kinh tế, xã hội và diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Phụ nữ Khmer (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) tham gia đan sản phẩm từ lục bình.

Ông Đặng Hồng Thảo - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cờ Đỏ cho biết, tính đến nay đã có 117 căn nhà được xây dựng và bàn giao cho 117 hộ đồng bào dân tộc Khmer sử dụng, giúp họ ổn định cuộc sống để an tâm lao động sản xuất, nâng cao thu nhập.

Là một trong những hộ dân được địa phương hỗ trợ nhà ở, bà Thạch Sa Mích (46 tuổi, ngụ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) cho biết, trước năm 2015, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng bà phải gửi con cho người thân rồi lên TPHCM làm công nhân.

“Sau khi được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ nhà ở, tôi cùng chồng về Cần Thơ sinh sống. Sau đó, địa phương tiếp tục hỗ trợ gia đình vay vốn để làm ăn. Nhờ nguồn vốn ban đầu và sự nỗ lực vươn lên, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo, hai vợ chồng dành dụm được thêm ít vốn và mua chiếc xe tải nhỏ để đi chở hàng thuê” – bà Mích chia sẻ.

Ngoài chính sách về nhà ở, công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer cũng được quan tâm. Nhiều trường hợp không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn có thể hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khác khó khăn hơn. Chị Sơn Thị Lang - Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) là một điển hình như thế.

Trước đây, chị Lang cũng thuộc diện khó khăn do nghề nghiệp không ổn định. Khi Hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức dạy nghề đan cho phụ nữ, chị Lang đăng ký tham gia học. Đến khi thạo nghề và kết nối được doanh nghiệp đặt hàng gia công sản phẩm, chị quyết định thành lập hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ chuyên gia công hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình. Không những giúp bản thân vươn lên thoát nghèo, chị Lang còn giúp hơn 100 phụ nữ có thêm thu nhập từ nghề đan lục bình.

“Trước đây, tôi và nhiều bà con địa phương không có việc làm. Khi Hội phụ nữ thị trấn mở lớp dạy nghề tôi đi học, sau đó cùng các chị em thành lập tổ để gia công sản phẩm. Khi thạo nghề, tôi bắt đầu mở lớp dạy đan cho nhiều chị em khác. Đến năm 2023, Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ mới ra đời. Hiện Hợp tác xã có có 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình, ngoài ra Hợp tác xã đã liên kết được trên 100 chị em phụ nữ khắp huyện Cờ Đỏ, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp” - chị Lang cho biết.

Chị Thạch Thị Xuân, ngụ thị trấn Cờ Đỏ cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chị phần lớn phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ công việc bốc vác và chạy xe ôm của chồng. Sau khi học nghề đan lục bình, chị nhận sản phẩm về gia công trong những lúc rảnh rỗi. “Từ khi có nghề đan lục bình cuộc sống của tôi ổn định hơn nhiều” - chị Xuân chia sẻ.

Theo ông Đặng Hồng Thảo - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cờ Đỏ, đến nay đã có 889 hộ đồng bào dân tộc Khmer được ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đầu tư sinh kế, chuyển đổi nghề. Đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất như “liên kết làm vườn”, “trồng màu dưới ruộng”, “Trồng lúa chất lượng cao”; “Liên kết sản xuất trồng trọt và chăn nuôi”.

Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách trong phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer, MTTQ huyện còn làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện phối hợp đề ra nội dung giám sát, trọng tâm là giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch giám sát kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát được theo dõi, đôn đốc giải quyết, nhất là việc triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách về y tế, giáo dục, an sinh xã hội...

Đồng thời MTTQ huyện còn đề xuất các cấp, các ngành có liên quan giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng của bà con đồng bào dân tộc Khmer như: đầu tư xây dựng cầu đường giao thông để phát triển kinh tế xã hội; tạo điều kiện để duy trì nghề truyền thống, đảm bảo các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các thiết chế văn hóa để phục vụ bà con...

THANH TIẾN