Đổi thay ở các phum, sóc của đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Năm nay, đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng đón xuân vui hơn, bởi diện mạo các phum, sóc đã có nhiều đổi thay tích cực. Đến bất kỳ phum, sóc nào ở tỉnh Sóc Trăng cũng dễ dàng nhận thấy hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Nhân dân huyện Trần Đề tham gia sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn.

Mới đây, có dịp đến Viên Bình-xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 74% dân số là đồng bào Khmer-cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những con đường bê tông rộng rãi, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, cả xã không còn hộ dân nào thuộc diện nghèo. Qua câu chuyện với ông Thạch Sỏi ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, chúng tôi cảm nhận được nếp nghĩ, cách làm của người nông dân Khmer đã được thay đổi cơ bản. Chuyện những hộ nông dân Khmer ở địa phương biết tính toán phát triển kinh tế để làm giàu không còn là cá biệt. Như gia đình ông Thạch Sỏi, nhờ biết làm kinh tế gia đình theo mô hình đa canh tổng hợp nên chỉ với 1,5ha đất nông nghiệp, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Thạch Sỏi cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng nhờ cán bộ xã hướng dẫn cách nuôi trồng, gia đình tôi chuyển sang trồng lúa cao sản, nuôi tôm sú và nuôi bò nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển”.

Trong tiết trời xanh mát những ngày xuân, các phum, sóc ở thị xã miệt biển Vĩnh Châu như khoác lên mình chiếc áo mới, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một đi lên, các thể chế văn hóa được giữ gìn, phát huy... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây thị xã Vĩnh Châu có đến 8/9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, hộ nghèo chiếm gần 25%, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế...

Để có được thành quả như hiện nay, ngoài sự chăm lo của Đảng và Nhà nước còn phải kể đến sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào Khmer trong việc chung tay xây dựng phum, sóc giàu đẹp. Như ấp Trà Sết trước đây từng là ấp nghèo của xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, giờ đây ấp Trà Sết đã khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà kiên cố, đường đi lối lại khang trang, sạch sẽ, đời sống người dân được nâng cao. Ông Thạch Sên ở ấp Trà Sết chia sẻ: “Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người dân Khmer sum vầy bên gia đình. Năm nay, ngoài dồn sức lo cho vụ hành tím, người dân chúng tôi còn trồng thêm củ cải trắng để bán trước Tết, trang trí nhà cửa, sắm sửa đồ ăn thức uống để đón một cái Tết an toàn, tiết kiệm...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhờ chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước, phần lớn đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng đều có cuộc sống ổn định, nhà cửa tươm tất nên năm nay bà con đón Tết Nguyên đán cũng vui hơn. Những năm gần đây, đồng bào luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm trong các dịp lễ, Tết truyền thống, kết thúc kỳ nghỉ, bà con tích cực, chủ động bắt tay vào sản xuất, làm ăn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả tích cực, diện mạo phum, sóc có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đây cũng là động lực giúp đồng bào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa... Nếu như khi tái lập tỉnh năm 1992, hộ nghèo của Sóc Trăng chiếm 36,7% thì đến năm 2000 giảm còn 18,45% và năm 2020 chỉ còn 2,66%. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới, toàn tỉnh hiện còn 22.120 hộ nghèo, chiếm 6,64%”.

Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống. Bức tranh các phum, sóc hôm nay đã được điểm tô bởi những gam màu rực rỡ, mang lại sức sống cho mảnh đất Sóc Trăng...

Thành Trung