(Mặt trận) -Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 30,19% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, việc chăm lo đời sống, phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ vốn làm ăn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng cải thiện, diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc.
Nâng cao đời sống đồng bào Khmer
Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có số người dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh Sóc Trăng, với dân số 166.495 người, trong đó dân tộc Khmer 87.153 người, chiếm 52,34%; dân tộc Hoa 27.812 người, chiếm 16,70%. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã Vĩnh Châu được đầu tư trên 318 tỷ đồng để triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư triển khai thực hiện là trên 124 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đầu tư là 36 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đầu tư là trên 157 tỷ đồng. Các dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã rất có hiệu quả, như: hỗ trợ nhà ở 693 căn với số tiền 30 tỷ đồng. Chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ 309 hộ vay vốn xây dựng nhà ở, với tổng số tiền 11 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 84 hộ với số tiền trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.053 hộ với số tiền trên 10 tỷ đồng, trong đó chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ cho 70 hộ vay vốn chuyển đổi nghề với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 503 hộ với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất với 17 mô hình chăn nuôi, trồng trọt với số tiền trên 4,7 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Sal ở khóm Xẻo Me, phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu), một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chia sẻ: “Nhà ở của tôi trước xuống cấp lắm, địa phương cũng chăm lo xét vay vốn để phát triển kinh tế, dự định tích cóp để cất nhà. Giờ gia đình lại tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng nhà, tôi rất biết ơn, sau này chỉ tập trung làm ăn để kinh tế ổn định hơn”.
|
Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Châu đang được đầu tư xây dựng mới, dự kiến vào cuối năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng. Ảnh: CHÍ BẢO |
Công tác dạy và học vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu cũng được thực hiện tốt, đảm bảo chính sách đối với giáo viên tham gia giảng dạy tiếng dân tộc.
Thầy Lâm Phùng Hiệp - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Châu cho biết, từ các chính sách của Nhà nước, trường được đầu tư xây dựng mới với 15 phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, trang thiết bị, ký túc xá, phòng ở cho các em học sinh. Dự kiến vào cuối năm 2024, ngôi trường mới sẽ đưa vào sử dụng. Năm học 2024 - 2025, trường có 14 lớp, khối trung học cơ sở 247 em và trung học phổ thông 210 em. Nhờ được sự quan tâm của các ngành, các cấp, thầy và trò Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Châu được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện học tập tốt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, học sinh đỗ cao đẳng, đại học đạt 70 - 80%”.
Song song đó, công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện, hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer hằng năm được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt, như: tổ chức các hoạt động họp mặt các vị sư sãi, ban quản trị các chùa Khmer, người có uy tín, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí tiêu biểu là người dân tộc Khmer và tổ chức các đoàn thăm, tặng quà các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây và Lễ Sene Đôn Ta.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội…
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 25 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, trong đó, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân tộc Khmer là 20; câu lạc bộ văn hóa văn nghệ người Hoa là 5.
Còn huyện Mỹ Tú là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng, chiếm 25,97% tổng dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là đồng bào Khmer với trên 22.000 người, tập trung chủ yếu ở 3 xã Phú Mỹ, Thuận Hưng và Mỹ Thuận. Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả.
Tại nhiều ngôi chùa trên địa bàn huyện Mỹ Tú, bên cạnh hoạt động tôn giáo, địa phương cùng ban quản trị các chùa đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm văn nghệ nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer.
Chúng tôi có dịp đến thăm chùa Đay Ta Suốs, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú. Hằng năm, tại khuôn viên chùa diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer. Những năm qua, nhà chùa cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động chị em phụ nữ tham gia vào nhóm văn nghệ chùa Đay Ta Suốs.
Chị Tăng Thị Son - Tổ trưởng nhóm văn nghệ chùa Đay Ta Suốs, người hướng dẫn múa cho nhóm chia sẻ: “Vợ chồng tôi là diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, sau khi về hưu muốn đóng góp vào công tác bảo tồn các điệu múa của dân tộc Khmer nên tham gia truyền dạy lại cho chị em có đam mê các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, nhóm múa có 15 thành viên tham gia, sau thời gian thành lập, nhóm múa được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ trang phục và tạo điều kiện cho nhóm biểu diễn trong các dịp lễ hội của chùa và của địa phương”.
Em Kim Thị Phương Linh, 15 tuổi, thành viên nhỏ nhất nhóm văn nghệ chùa Đay Ta Suốs cho biết: “Em yêu văn hóa của dân tộc Khmer. Sau những buổi phụ giúp mẹ buôn bán, làm việc nhà xong, em tranh thủ đến chùa để tham gia tập luyện văn nghệ cùng các chị. Sau thời gian tập luyện thuần thục, em được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer, em rất vui”.
Từ việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, được sự đầu tư của Trung ương cùng với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện tốt an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng được cải thiện và nâng lên về mọi mặt. Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng văn minh, giàu đẹp.
CHÍ BẢO - TIẾN ĐẠT