Đời sống đồng bào Khmer có nhiều đổi thay nhờ chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 30% dân số của tỉnh). Những năm qua, nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chính sách dân tộc (CSDT) nên hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xóm ấp được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Năm 2020, theo số liệu báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư cho tỉnh trên 73,6 tỉ đồng để xây dựng 73 công trình đường giao thông nông thôn; 2 nhà sinh hoạt cộng đồng ở ấp, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 1.383 hộ; tổ chức 25 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, người uy tín với 2.094 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.808 hộ, với kinh phí 4,2 tỉ đồng… Nhờ các chính sách an sinh xã hội, CSDT được triển khai đồng bộ, kịp thời, đã giúp cho hàng ngàn hộ Khmer thoát nghèo.

 Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tặng quà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).

Xã Phú Tâm (Châu Thành) là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 41,77%; nhờ lồng ghép tốt các chương trình, dự án mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer nơi đây được cải thiện rõ nét. Hiện nay, 10 ấp của xã Phú Tâm đều có đường nhựa và bê tông thông thương với nhau, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang theo hướng đạt chuẩn, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Đặc biệt, do thực hiện tốt CSDT đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã 19,26% năm 2011 xuống còn 2,39% năm 2020. Từ sự quan tâm, chăm lo của Ðảng và Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo nên động lực để vùng quê Phú Tâm ngày càng phát triển. Ông Phạm Văn Tí - Chủ tịch UBND xã Phú Tâm thông tin: “Đến nay, Phú Tâm đã đạt 19/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn chiếm 100%; có 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,48%...”. Ông Phan Văn Sơn - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm phấn khởi chia sẻ: “Là ấp có 70% đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ các CSDT của Nhà nước, mấy năm gần đây, đời sống kinh tế của đồng bào Khmer phát triển khá nhanh. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa, chúng tôi còn trồng rau màu, nuôi bò, gà… để phát triển kinh tế gia đình”. Diện mạo thôn xóm ở Phú Tâm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Sự đổi đời từ cây lúa chất lượng cao, chăn nuôi, trồng màu… những ngôi nhà kiên cố, khang trang đã và đang mọc lên càng củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong đồng bào Khmer. 

Hộ anh Lâm Dươl, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Nhưng hiện nay, gia đình anh đã có trong tay 5 con bò, mua được 2 công đất ruộng, 1 công đất rẫy trồng màu, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Lâm Dươl phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, nhờ Nhà nước hỗ trợ cất cho căn nhà tình thương từ Chương trình 135. Từ khi có nhà tôi càng quyết tâm cố gắng làm ăn, giờ gia đình tôi có đất ruộng, đất trồng rẫy rồi nuôi bò nữa, gia đình tôi giờ đỡ hơn trước nhiều lắm. Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho mình, mình phải cố gắng làm ăn”. Chương trình 135 đã góp phần xây dựng cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ấp liền ấp, xã liền xã; công trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học sinh theo học, nhất là ở cấp tiểu học; y tế đáp ứng phục vụ khám, chữa bệnh của người dân; hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất; nhà văn hóa cộng đồng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân... Đến nay, đời sống bà con ở vùng có đông đồng bào Khmer đang dần thay đổi toàn diện. Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, đồng bào còn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.

Theo ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả nên đời sống vật chất, tinh thần bà con Khmer ngày càng được nâng lên; vùng quê thôn, xóm ngày càng khởi sắc. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3,76% năm 2020”.

C.T