(Mặt trận) -Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Trên cơ sở đặc điểm tình hình các tôn giáo và thực trạng công tác vận động đồng bào tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên, bài viết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Mặt trận tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Khu vực Tây Nguyên nằm ở phía Tây Nam nước ta, có diện tích khoảng 55.000 km2, bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng chiếm gần 17% diện tích cả nước, xếp hàng thứ hai về diện tích trong số 7 vùng kinh tế của đất nước. Tây Nguyên là vùng lãnh thổ nước ta có đường biên giới dài với Lào và Căm pu chia. Với sự đa dạng về độ cao, địa hình và khí hậu, Tây Nguyên có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên rất lớn, nhất là đất đai và rừng, đồng thời có vị trí quan trọng chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng. Khu vực Tây Nguyên hiện nay có đủ 54 thành phần dân tộc. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo.
Đánh giá vị trí của Tây Nguyên, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng xác định: "Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh...". Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững.
Vài nét về tình hình các tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, đạo Tin Lành và đạo Cao Đài với tổng số khoảng 2.301.884 tín đồ1, chiếm 34,7% dân số, đó là chưa kể những người theo các tín ngưỡng truyền thống khác.
Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên. Hiện nay, đạo Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào DTTS cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên, cùng các tôn giáo khác đóng góp xây dựng các giá trị đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới... Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó tín đồ là người dân tộc thiểu số khoảng 511.450 người (Đắk Lắk: 186.000 tín đồ DTTS; Gia Lai: 152.690; Lâm Đồng: 88.000; Đăk Nông: 76.050; Kon Tum: 17.710) chiếm 96,6% tổng số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực này2. Công giáo truyền lên Tây Nguyên sớm, với mốc khởi điểm từ những năm 1765 và mốc chính thức đầu từ năm 1850 với khu vực truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum, sau đến Lâm Đồng và Đắc Lắc. Trong quá trình phát triển, Công giáo ở Tây Nguyên hình thành 3 giáo phận: Kon Tum (1932), Đà Lạt (1960) và Buôn Ma Thuột (1967) với khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, hơn 630 linh mục (396 linh mục triều, 234 linh mục dòng), hơn 2714 tu sĩ nam nữ3. Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ Công giáo là đồng bào dân tộc thiểu số nhất ở Việt Nam, chiếm 81% tín đồ người dân tộc trong giáo hội. Khác với Công giáo và đạo Tin Lành, Phật giáo ở Tây Nguyên phát triển tín đồ phật tử chủ yếu trong đồng bào Kinh (khoảng trên 600.000 phật tử), tỷ lệ đồng bào DTTS theo đạo Phật rất ít so với sự phát triển và hoằng pháp chung của Phật giáo ở các vùng miền cả nước. Đạo Cao Đài bắt đầu được truyền bá lên Tây Nguyên từ năm 1938 cùng với chính sách khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp. Tiếp đó, giáo hội Cao Đài các hệ phái Tây Ninh, Ban Chỉnh đạo đã cử chức sắc lên Tây Nguyên truyền đạo và xây dựng cơ sở. Đến những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, do chính sách dinh điền của Ngô Đình Diệm, nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng được đưa lên Tây Nguyên sinh sống và mang theo tín ngưỡng của đạo Cao Đài. Từ đó, ở Tây Nguyên có thêm các hệ phái Cao Đài Chơn lý, Cao Đài Cầu kho và hệ phái Truyền giáo Cao Đài. Cũng như Phật giáo, đạo Cao Đài truyền lên Tây Nguyên chủ yếu phát triển trong đồng bào dân tộc Kinh với khoảng 22.000 tín đồ, số tín hữu Cao Đài là người DTTS rất ít.
Ngoài các tôn giáo lớn đó, ở Tây Nguyên hiện đang tồn tại hàng chục hiện tượng tôn giáo mới với nguồn gốc xuất xứ, phạm vi và nội dung hoạt động, mức độ ảnh hưởng cũng như xu hướng phát triển rất khác nhau. Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo khá lớn, trong đó có các tổ chức cực đoan, ly khai nhân danh “hiện tượng tôn giáo mới” vào thời kỳ cao điểm lôi kéo được hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương. Các hiện tượng tôn giáo mới có mặt ở Tây Nguyên trong những năm gần đây với cả hai chiều kích đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng vốn đã đa dạng lại càng trở nên đa dạng hơn nữa.
Một số vấn đề đặt ra về tôn giáo, dân tộc liên quan đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay
Một là, khu vực Tây Nguyên, vấn đề tôn giáo và dân tộc gắn bó chặt chẽ, liên hệ mật thiết, nhất là đạo Tin Lành phát triển chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên (chiếm hơn 96%). Từ đó đặt ra yêu cầu muốn tập hợp, đoàn kết tốt các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, chính sách đối với đạo Tin Lành nói riêng và các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước gắn với chủ trương phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững như tinh thần Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị.
Hai là, trong những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của các tầng lớp nhân dân ở khu vực Tây Nguyên đã có bước phát triển, đổi mới và khởi sắc. Tuy nhiên, đời sống của bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ còn khó khăn, thậm chí rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào còn cao hơn các khu vực khác. Do đó phải đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống kinh tế mới, chăm lo đời sống vật chất tinh thần; giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và sản xuất, dạy nghề, bố trí việc làm... và đặc biệt quan tâm đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất, dịch vụ cho đồng bào các dân tộc...
Ba là, cần quan tâm hơn đến việc phát huy vai trò, thế mạnh, các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo ở Tây Nguyên tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong các tôn giáo và các dân tộc; tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, muốn tăng cường đoàn kết các tôn giáo, nhất là đạo Tin Lành khu vực Tây Nguyên đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần sớm quan tâm giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở tôn giáo, trước hết là vấn đề cho thuê, mượn địa điểm hợp pháp để sinh hoạt điểm nhóm của các hội thánh Tin Lành vì đây là điểm đặc thù của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên hiện nay.
Năm là, cần rất chú ý quan tâm giải quyết nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo hợp pháp, chính đáng của đồng bào có đạo, đồng thời bóc tách, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề "Tin Lành Đề Ga" gắn với ly khai, tự trị; vấn đề hoạt động của Funrô.
Sáu là, hiện nay đang có sự phát triển đa dạng của các hiện tượng tôn giáo mới ở khu vực Tây Nguyên. Vì vậy cần có sự phân loại cụ thể và có chủ trương, chính sách phù hợp với từng loại để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp chính đáng và ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo.
Bảy là, các tỉnh Tây Nguyên là địa bàn đều có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số và tỷ lệ đồng bào theo các tôn giáo cao. Đây là điểm đặc thù ở khu vực này. Vì vậy rất cần quan tâm đến việc xây dựng tổ chức bộ máy chuyên môn làm công tác tôn giáo, dân tộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên.
Tám là, đối với Công giáo, hiện nay đã có 3/5 tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên thành lập tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh. Do đó cần quan tâm xây dựng uy tín, vị thế của tổ chức xã hội này với tư cách là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận với Giáo hội và có giải pháp hiệu quả để phát huy vai trò của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo trong vận động, đoàn kết đồng bào Công giáo.
Chín là, theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và sự phân công của cấp có thẩm quyền, hiện nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác tôn giáo. Vì vậy Mặt trận rất cần chú ý phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác tôn giáo, nhất là các công việc Mặt trận được phân công chủ trì như vận động, đoàn kết các tôn giáo, xây dựng cốt cán phong trào, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên.
Một số nhiệm vụ, giải pháp để Mặt trận Tổ quốc tăng cường vận động đoàn kết đồng bào tôn giáo ở Tây Nguyên thời gian tới
Các nhiệm vụ, giải pháp do Mặt trận chủ trì
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tham mưu giúp cấp ủy trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án "Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay" của Bộ Chính trị tại địa phương.
Mặt trận chủ trì, phối hợp với các cơ quan đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội các tỉnh Tây Nguyên trong việc vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành, xây dựng và phát huy vai trò của cốt cán phong trào.
Định kỳ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ trì, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Tăng cường tập hợp các tổ chức trực thuộc, cá nhân tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tham gia là tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp; thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cơ quan dân cử ở các cấp với số lượng, cơ cấu phù hợp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo tại địa phương nhằm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề... Định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng, đề xuất khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong tôn giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.
Bố trí cán bộ chuyên trách Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp tỉnh và tạo điều kiện cần thiết để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông hoạt động thiết thực, hiệu quả; phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Mặt trận các tỉnh Tây Nguyên chủ trì phối hợp với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương vận động các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở, trụ sở tôn giáo như các cơ quan, tổ chức xã hội khác; nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội đối với đất nước; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặt trận chủ trì phối hợp với cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp vận động các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện đoàn kết nội bộ, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện của đất nước.
Mặt trận chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo ở địa phương tiếp tục triển khai “Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được ký kết giữa Ban Thường trực, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo và Hướng dẫn số: 46/HD-MTTW-TNMT, ngày 8/4/2016 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó tập trung vào việc: khảo sát, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm trong các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm tôn giáo và tình hình cụ thể của Tây Nguyên.
Chủ động triển khai đưa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tới đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo.
Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, thăm viếng các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, Tết cổ truyền của dân tộc và khi chức sắc, nhà tu hành ốm đau, qua đời.
Chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có nhiều nội dung và hình thức hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động mà tôn giáo có thế mạnh như: Y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội... Rà soát, đánh giá về những mặt tốt, mặt còn hạn chế và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong các chính sách, quy định của pháp luật liên quan để tạo điều kiện phát huy, nhân rộng các mô hình tốt của các tôn giáo ở Tây Nguyên trong tham gia các hoạt động này.
Các nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên cần tham gia phối hợp
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, chức sắc và đồng bào các tôn giáo ở Tây Nguyên tổ chức tốt các ngày lễ trọng, các sự kiện lớn của tôn giáo, đảm bảo trang nghiêm, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, các sở: Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại vụ của tỉnh có kế hoạch thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống nhân văn tốt đẹp, ý thức tự tôn dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho tổ chức, cá nhân tôn giáo, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức thực thi pháp luật của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc các tôn giáo. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo của tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông, văn học, nghệ thuật tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo, chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân làm tốt công tác tôn giáo nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham gia phối hợp giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài. Phối hợp rà soát tổng thể việc sử dụng đất đai có liên quan đến tôn giáo; hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng đất và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ sở tôn giáo.
Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị, cập nhật thường xuyên những kiến thức về tôn giáo, chính sách, pháp luật tôn giáo và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ truyền thông, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương trong công tác tôn giáo.
Phối hợp cùng các sở Ngoại vụ; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về tôn giáo. Định kỳ chủ động thông tin về tình hình các tôn giáo, đoàn kết tôn giáo và những đóng góp của tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Vận động, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tổ chức tôn giáo hợp pháp trong nước tham gia tập hợp, đoàn kết đồng bào ta có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài.
Phối hợp cùng Công an, các cơ quan liên quan của tỉnh và các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tham gia đấu tranh ngăn chặn kịp thời các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguyễn Văn Thanh*, Hà Thị Xuyên**
* Tiến sĩ, Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
** Thạc sĩ, Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chú thích:
1. Nguồn: Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2019.
2. Nguồn: Bảng tổng hợp của Bộ Nội vụ tháng 12/2020.
3. Nguồn: Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2019