Diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Vinh Long có nhiều khởi sắc

(Mặt trận) -Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chính sách về công tác dân tộc, trong đó đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thiết thực chăm lo

Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 26.500 người dân tộc thiểu số; trong đó có 22.630 người Khmer. Đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh sinh sống chủ yếu các huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh…

 Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer được cải thiện rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển.

Ông Nguyễn Minh Thiện- Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết, thời gian qua, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu kịp thời thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì, quản lý, chỉ đạo và tham mưu thực hiện tốt các chính sách, đề án, công tác do UBND tỉnh giao.

Riêng trong năm 2022, tổng kinh phí từ ngân sách trung ương phân bổ cho tỉnh là hơn 16,2 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc Khmer.

Tiêu biểu, là xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Mỹ (Trà Ôn) luôn xem việc chăm lo đồng bào dân tộc Khmer là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong công tác tập hợp đoàn kết, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được Nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện.

“Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo và ngày càng được nhân rộng và lan tỏa. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường, mở rộng và phát huy, tạo đồng thuận cao”- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Mỹ- Thạch Thị Sô Ra Da cho biết.

Với hơn 90% hộ dân của ấp là hộ đồng bào dân tộc Khmer, ông Nguyễn Minh Thành- Phó Trưởng ấp Cần Thay (xã Tân Mỹ) chia sẻ: “Nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân Khmer của ấp có nhiều đổi thay khi dân được hưởng lợi từ các dự án. Giáo dục được quan tâm hơn, trẻ con được đến trường học tập. Bà con rất phấn khởi khi địa phương đang trên đà phát triển đi lên”.

Trong căn nhà nghĩa tình vừa được khánh thành nhân dịp Tết Quân dân năm nay, gia đình chú Thạch Sơn (ấp Cần Thay) tâm sự, được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà đã giúp gia đình thoát cảnh “mưa dột tùm lum”. “Ngày bàn giao nhà, tui xúc động khóc luôn”- cô Thạch Thị Xờ Thuơl nói. Niềm vui được nhân đôi khi gia đình chú Sơn vừa được hỗ trợ 4 con dê sinh sản, với mong muốn giúp gia đình vươn lên cải thiện kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Hoàn thành với chiều dài 800m, con đường đan Mỹ Định- Cần Thay (xã Tân Mỹ) đã nối liền niềm vui của bà con 2 ấp trên. Chú Phạm Văn Khởi (ấp Mỹ Định) chia sẻ: “Con đường này hồi xưa là lộ đất nhỏ, mùa mưa đi vất vả lắm à nghen. Rồi Nhà nước hỗ trợ làm đường là bà con đồng thuận, hiến đất, huê lợi để làm liền. Giờ đi đứng ngon lành, xe chở rau màu chạy dư sức”.

Đồng hành cùng dân tộc

Theo ông Hồ Văn Huân- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, các chủ trương, chính sách về dân tộc được tỉnh quan tâm thực hiện có hiệu quả với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đồng bào dân tộc Khmer trong việc thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội.

Từ đó, đời sống đồng bào dân tộc Khmer nhìn chung ổn định và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm rõ rệt. Diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhiều khởi sắc.

 Người dân Khmer được hỗ trợ vốn, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, với những kết quả nổi bật trong vùng đồng bào dân tộc Khmer những năm qua, toàn thể đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đã phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Đồng thời, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Thượng tọa Thạch Bước- Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Tòa Sen (TX Bình Minh), cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống đồng bào Khmer trong tỉnh.

Các đoàn tổ chức trực tiếp đến thăm, chúc Tết các chùa, gia đình chính sách, gia đình có công người Khmer nhân các ngày lễ, tết… Thượng tọa Thạch Bước bày tỏ mong muốn địa phương tiếp tục chăm lo, quan tâm đến đời sống người Khmer, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Nâng cấp đường về “phum sóc”, đổi thay bộ mặt nông thôn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế mong muốn, các vị sư sãi, chức sắc, chức việc, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh; nâng cao tinh thần cảnh giác, chống lại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế lưu ý MTTQ, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham mưu đề xuất kịp thời cho lãnh đạo tỉnh giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; qua đó tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Các cấp, các ngành cũng quan tâm nghiên cứu thực hiện chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần...

TUYẾT NGA