Diện mạo đổi thay nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia ở một xã vùng cao huyện Yên Minh

(Mặt trận) -Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay xã Bạch Đích đã có nhiều khởi sắc, đang vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

Từ xã biên giới còn nhiều khó khăn

Nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Yên Minh là một trong bốn huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang, giao thông đi lại còn tương đối khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực giúp đồng bào vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

 Xã Bạch Đích (Yên Minh - Hà Giang).

Bạch Đích là một xã biên giới nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Minh, tổng diện tích đất tự nhiên là 2884,34 ha, có đường biên giới dài 7,315km. Bạch Đích cách trung tâm huyện hơn 30km, toàn xã có 19 thôn, trong đó có 6 thôn biên giới. Đây nơi sinh sống của đồng bào 12 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là dân tộc Nùng, dân tộc Dao, còn lại là các dân tộc khác.

Do đặc thù vùng cao, giao thông không thuận tiện nên đời sống nhân dân trước đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Diện mạo đổi thay nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia

Về công tác giảm nghèo, xã tập trung các giải pháp, huy động nguồn lực đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 37,53%, phấn đấu cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 - 7% so với năm 2022 (ước khoảng còn 30%). Hệ thống điện lưới quốc gia, nguồn nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn xã nói chung và các thôn biên giới được đảm bảo 100%.

Đến nay bộ mặt nông thôn xã đã đổi thay diện mạo, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đi các thôn, cụm dân cư được mở rộng và bê tông hóa. Hiện 19/19 thôn đã có đường ô tô từ trung tâm xã đến các thôn, liên thôn; xóa nhà tạm cho nhiều hộ nghèo; xây dựng nhiều nhà văn hóa mới; hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo… Bà con các dân tộc phấn khởi thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Chợ phiên vùng cao ở Yên Minh (Hà Giang).

Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về các Chương trình MTQG trên địa bàn, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời thực hiện chặt chẽ các quy trình phê duyệt các dự án đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả, công khai, dân chủ, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, cải thiện đời sống cho nhân dân và góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 25 về lãnh đạo triển khai chương trình, nêu rõ mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên.

T.L