Điện Biên: Người có uy tín cầu nối “ý Đảng - lòng dân”

(Mặt trận) -Trong giai đoạn 2018 - 2022, Điện Biên lựa chọn, phê duyệt 6.859 người có uy tín. Riêng trong năm 2022, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Điện Biên được phê duyệt là 1.246 người. Đội ngũ này là những hạt nhân tích cực, luôn gương mẫu đi đầu trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể ở cơ sở, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân...

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Người có uy tín ở cơ sở luôn nỗ lực giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Trong ảnh: Ông Pờ Dần Sinh, người có uy tín tại bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) gìn giữ phong tục xem gan lợn vào dịp tết của người Hà Nhì.

Vai trò của người có uy tín thể hiện rõ nét trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc do lực lượng công an và MTTQ các cấp phát động. Vận động nhân dân phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, người uy tín có nhiều đóng góp trong việc thành lập cụm liên kết về ANTT ở địa bàn giáp ranh, các cụm liên kết bảo vệ ANTT, đội thanh niên xung kích và câu lạc bộ pháp luật ở các xã, bản, khu dân cư; tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp về ANTT. Cụ thể, trong thời gian qua, người có uy tín đã vận động được 25.505 hộ gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; cung cấp 232 tin tố giác xuất, nhập cảnh trái phép và thực hiện có hiệu quả hoạt động phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” với 9 cặp cụm dân cư...

Ở một số nơi, người có uy tín lại giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng các mô hình khu dân cư, phòng chống tội phạm, xây dựng hòm thư tố giác, cung cấp nhiều tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.658 khu dân cư triển khai phòng, chống tội phạm với 182 hòm thư tố giác tội phạm, nhân dân cung cấp những nguồn tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Tình trạng di, dịch cư tự do giảm dần hàng năm, nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công tại cơ sở. Nhiều năm qua, quốc phòng - an ninh chính trị vùng biên giới được giữ vững và luôn ổn định...

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, những năm qua, người có uy tín luôn là những người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong việc tìm tòi các biện pháp, cách làm hay nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; đồng thời hướng dẫn giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn trong thôn, bản, khu dân cư cách làm kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình là người có uy tín, các vị già làng, trưởng dòng họ làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng; nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình 100 - 200 triệu đồng/năm...

Tỉnh có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau, giao thoa với nhau tạo nên tính đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa. Với đặc trưng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã phát huy vai trò của người có uy tín ở thôn, bản, khu dân cư để thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đội ngũ này tập trung tuyên truyền vận động nhân dân ở các thôn, bản, khu dân cư tích cực hưởng ứng các phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời từng bước từ bỏ các tập tục, lạc hậu không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ở khu dân cư trong việc cưới xin, tang ma. Giai đoạn 2018 - 2022, đã có 171.804 hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 2.109 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận là thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Tại huyện biên giới Mường Nhé ngày càng có nhiều gia đình, dòng họ đi vào hoạt động có nền nếp, hàng năm xây dựng các quy định, quy ước để thực hiện. Trong các buổi sinh hoạt, người có uy tín tuyên truyền, vận động với các nội dung trọng tâm về việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, như: Không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, thực hiện nếp sống văn hóa mới; người chết không để lâu trong nhà; bài trừ các hủ tục; ăn ở hợp vệ sinh, ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị, không đốt phá rừng bừa bãi để bảo vệ môi trường nguồn nước, vận động con cháu sinh đẻ có kế hoạch và động viên con cháu ra lớp đúng độ tuổi... Tiêu biểu như dòng họ Giàng, họ Lò ở xã Mường Toong, dòng họ Pờ xã Sín Thầu, dòng họ Vi, họ Lò của xã Mường Nhé và nhiều dòng họ ở các xã khác trong huyện...

Người có uy tín còn động viên các nghệ nhân sưu tầm và giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc như: Các làn điệu dân ca, dân vũ, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của dân tộc mình, động viên các nghệ nhân trao truyền tri thức dân tộc cho thế hệ sau. Việc vận động con cháu xây dựng “Dòng họ hiếu học” được người có uy tín của các dòng họ quan tâm, xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 272 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ hiếu học, tiêu biểu như dòng họ Tao, họ Khoàng ở huyện Nậm Pồ; Họ Bùi ở huyện Mường Chà; họ Vũ, họ Lò, họ Lường ở huyện Điện Biên; họ Vừ, họ Tòng, họ Vì ở huyện Tủa Chùa; họ Mùa, họ Sùng ở huyện Tuần Giáo.

Đóng góp của đội ngũ người có uy tín toàn tỉnh trong những năm vừa qua có vai trò rất quan trọng trong đời sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, để tuyên truyền, vận động đưa những chủ trương, chính sách tới với người dân kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.

Diệp Chi