'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đang được triển khai với ưu tiên hàng đầu là giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Hội Chữ thập đỏ huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cùng chính quyền địa phương chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ảnh: Thanh Loan.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc. Qua đó góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo các Quyết định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đang được áp dụng, tỉnh Bắc Kạn có 34 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 67 xã khu vực III, có 648 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số của tỉnh khoảng 320.000 người, gồm 7 dân tộc. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 88%. Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng chương trình, đề án, chính sách dân tộc; chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị định số 05/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với tính bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực, Chương trình bước đầu đã tạo ra sự thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn. Trong hai năm 2022, 2023, từ nguồn vốn của Chương trình, hàng trăm công trình, dự án được đầu tư, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của người dân đang dần tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đang dần hoàn thiện giúp việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền trở nên dễ dàng hơn, tạo ra nhiều kỳ vọng cho hộ nghèo vùng DTTS.

Đơn cử như việc cải tạo, nâng cấp 6 công trình chợ tại các xã Công Bằng, Bằng Thành (huyện Pác Nặm); Hiệp Lực, Thuần Mang (huyện Ngân Sơn); Quang Phong (huyện Na Rì) và xã Yên Hân (huyện Chợ Mới) nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn cũng đã thực hiện 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch, giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc, vòi dẫn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần mang lại nguồn nước bảo đảm, giúp nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2024, tỉnh Bắc Kạn được phân bổ gần 1.100 tỷ đồng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 (bao gồm năm 2022, 2023 chuyển sang): vốn đầu tư trên 469 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 603 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã giao chi tiết 100% kế hoạch vốn, dự toán năm 2024 cho các đơn vị, địa phương.

Bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, những khó khăn, vướng mắc thời gian qua đã được cơ quan chủ trì là Ban Dân tộc tỉnh tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh tháo gỡ cũng như chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã. Với sự vào cuộc và quyết tâm cao, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, giải đáp. Trên cơ sở đó, hệ thống văn bản pháp lý mới đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành, giúp sửa đổi, bổ sung thay thế các văn bản cũ, giải quyết cơ bản vướng mắc ở các địa phương. Nhờ đó, tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG 1719, nhất là việc thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt của người dân đạt được nhiều kết quả nổi bật.

“Nhằm nâng hiệu quả việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”- bà Phương nói.

Vũ Long