(Mặt trận) -Thời gian qua, việc thực hiện sưu tầm các di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê Đê, T’rin đã góp phần lưu giữ được những giá trị văn hóa đang dần mai một của đồng bào. Từ đó, các, ngành chuyên môn có hướng bảo tồn, phát huy di sản trong tương lai.
Tìm lại dấu xưa
Vùng đất Khánh Hòa là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc Raglai, Ê Đê, T’rin. Khu vực cư trú chủ yếu của đồng bào là ở vùng rừng núi các huyện, thị xã, thành phố: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh. Chính vì thế, đặc điểm về môi trường sinh thái có tác động mạnh mẽ tới việc hình thành và diễn tiến văn hóa truyền thống của 3 dân tộc. “Trong quá trình tồn tại của mình, người Raglai, Ê Đê, T’rin đã để lại khá nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy trong cuộc sống của đồng bào hiện nay, nhiều di sản đã dần mai một, ít được thực hành, sử dụng nhưng các di sản văn hóa đó vẫn được lưu giữ bởi những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần sưu tầm được những hiện vật đó để giữ lại, tránh tình trạng mất mát, hư hỏng, thất truyền”, ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.
|
Người dân Raglai huyện Khánh Sơn chế tác công cụ lao động |
Từ năm 2019, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh đã tỏa về các địa phương để thực hiện dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống, điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê Đê, T’rin của UBND tỉnh. Bắt tay vào sưu tầm mới thấy có rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước tác động của cuộc sống đương đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào 3 dân tộc đã dần bị mất đi. Chẳng hạn, phương thức sản xuất du canh, du cư của đồng bào không còn nên nhiều vật dụng, công cụ lao động truyền thống đến nay không được sử dụng. Những ngôi nhà dài, nhà sàn truyền thống vốn phổ biến trước đây, nhưng nay ở nhiều nơi chỉ còn trong ký ức. Bây giờ, nhà ở của đồng bào không khác gì so với nhà của người Kinh. Trang phục truyền thống cũng không được đồng bào mặc nhiều. Các nghi lễ, lễ hội ngày càng được làm đơn giản, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ nhưng cũng có nhiều bản sắc văn hóa lễ hội bị mất đi…
Những kết quả bước đầu
Theo ông Mai Ngọc Đa - Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (thuộc Bảo tàng tỉnh), sau một thời gian, đơn vị đã sưu tầm được 350 hiện vật, tư liệu và khoảng 450 hình ảnh, video có liên quan. Trong đó, có 118 hiện vật, tư liệu văn hóa truyền thống của người Raglai; 119 hiện vật, tư liệu văn hóa truyền thống của người Ê Đê; 57 hiện vật, tư liệu văn hóa truyền thống của người T’rin. Những hiện vật, tư liệu này bao gồm các nhóm: Công cụ lao động; công cụ sinh hoạt; nhạc cụ; trang phục - trang sức; vật dụng phục vụ tín ngưỡng - tôn giáo. Tất cả đều được đưa về Bảo tàng tỉnh để bảo quản, nghiên cứu và phục vụ cho công tác trưng bày.
Có dịp xem qua những hiện vật đã được sưu tầm, chúng ta phần nào hình dung được sự phong phú, đa dạng về các di sản văn hóa của đồng bào Raglai, Ê Đê, T’rin trên địa bàn tỉnh. Ở đó có những hiện vật với tên gọi đã khá quen thuộc như: Chà gạc, rựa, dao, gùi, nỏ, chày cối, nia, thúng, nồi đồng, mâm đồng, bát đồng, tẩu hút thuốc, mã la, đàn chapi, kèn bầu, cồng, chiêng, váy, áo, khố, vòng cổ… Cũng có những hiện vật thể hiện được nét riêng của đồng bào như: Chiếc goắc được dùng để cạo vỏ cây; lưỡi ní, ống tra hạt phục vụ cho phương thức canh tác chọc lỗ tra hạt của đồng bào trước đây; hay những chiếc tó, quyển sách cúng của đồng bào. Những hiện vật này nói lên phần nào nét đặc trưng trong sinh hoạt của đồng bào. Ngay cả những hiện vật từng quen thuộc với nhiều người thì trong cách cấu tạo, hình dáng, vật liệu, cách thức sử dụng… cũng thể hiện được nét rất riêng của mỗi dân tộc.
Tuy lượng hiện vật sưu tầm được không nhiều song cũng đã phản ánh được phần nào thực trạng các phương diện đời sống kinh tế - xã hội, lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê Đê, T’rin. Từ đây, các nhà chuyên môn sẽ có những đánh giá, nhận định, tham mưu chính xác hơn trong việc đưa ra các giải pháp để bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống của 3 dân tộc trên. Điều này cũng góp phần định hướng nội dung trưng bày chuyên đề dân tộc học cho đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh trong tương lai.
GIANG ĐÌNH