Để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc xây dựng và phát triển đất nước

(Mặt trận) -Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Từ chủ trương này, nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống  tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo đã và đang được phát huy tốt hơn, góp phần tích cực vào chăm lo đời sống, an sinh xã hội.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận cảm ơn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã ủng hộ Quỹ vắc xin 3,5 tỷ đồng. (Ảnh:TA).

Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) với hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo tôn giáo.

Là lực lượng xã hội đông đảo, những năm qua, đồng bào các tôn giáo cả nước luôn là nhân tố tích cực trong công tác xã hội, hoạt động từ thiện- bác ái. Giáo lý, cũng như tôn chỉ mục đích của các tổ chức tôn giáo đều chú trọng đến những việc làm thiện lành, để giúp người, giúp đời, hộ quốc an dân và xây dựng đất nước. Tôn chỉ tốt đẹp của các tôn giáo đã được khẳng định, như “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của đạo Công giáo, “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghã xã hội” của Phật giáo; “Nước vinh- Đạo sáng” của đạo Cao Đài, “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của đạo Tin Lành,…

Từ đường hướng đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với quê hương, đất nước, các tổ chức tôn giáo đã chủ động tham gia công tác hoạt động từ thiện- xã hội, tham gia cứu trợ thiên tai, phòng, chống dịch bệnh. Những hoạt động này phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp sau khi Nghị quyết  25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX khẳng định và khuyến khích phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới. 

Theo TS.Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chủ trương trên cùng với chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo không chỉ phát triển về cơ sở vật chất, số lượng tín đồ, các sinh hoạt tôn giáo tổ chức trang trọng (trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế) mà còn khích lệ được các tôn giáo cùng tín đồ tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội. Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội đã phát động các chương trình, cuộc vận động thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo, qua đó phát huy được các nguồn lực tôn giáo tham gia xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, đặc biệt là chăm lo sức khỏe người dân và từ thiện- bác ái. Đến cuối năm 2020, cả nước đã có 300 trường mầm non và hơn một nghìn nhóm, lớp mầm non độc lập do các tôn giáo thành lập. Các cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo thành lập đã chăm sóc trên 130 nghìn trẻ đến trường, chiếm 3,06% tổng số trẻ mầm non toàn quốc, gần 20% số trẻ mầm non ngoài công lập; có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo tập trung chủ yếu ở phía Nam, hằng năm đào tạo hơn 2 nghìn học viên và khi ra trường họ đều tìm được việc làm. Các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nói trên có nét riêng là không vì lợi nhuận kinh tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, giúp đỡ.

Về chăm sóc sức khỏe, tổng số cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283, trong đó tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám, chữa bệnh là 13.027 người.  Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở phòng chẩn trị y học cổ truyền của tôn giáo là trên 14 triệu lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở bệnh xá của tôn giáo là 179.025 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm 2015-2020 là 6.890,873 tỷ đồng.

Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 hiện nay cho thấy, những giá trị tốt đẹp của các tôn đã một lần nữa được khẳng định trong đời sống xã hội, khi hàng nghìn tu sĩ, tín đồ đã tình nguyện đến các bệnh viện hỗ trợ y tế, chăm sóc bệnh nhân COVID. Các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ tiền và thiết bị y tế để phòng chống dịch. Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8 đã ủng hộ 2 tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống COVID-19 qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; 3,5 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin của Chính phủ; 135 tỉ đồng cho quỹ vắc xin qua MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo cũng ủng hộ nhiều thiết bị y tế. Tổng trị giá ước tính 382,5 tỉ đồng.

 Đồng chí.Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Ảnh: An Luých

Tính chung từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta đến nay, các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng để cùng Chính phủ và xã hội chung tay phòng chống dịch. Đây là tình cảm rất đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Đồng chí Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Tôn giáo đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nguồn lực góp phần vào quá trình phát triển đất nước. Nguồn lực ấy sẽ tiếp tục được phát huy tốt hơn trong những năm tới, bởi: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và nhiều văn bản quy phạm liên quan đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện và cơ hội cho các tổ chức tôn giáo phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và nguồn lực của mình vào các lĩnh vực phát triển của đất nước, nhất là trong an sinh xã hội; MTTQ Việt Nam các  cấp cũng đã và đang đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo, tích cực thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo  ở nước ta hiện nay”- một đề án quan trọng của Bộ Chính trị giao cho MTTQ Việt Nam chủ trì hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống tổ chức chính trị và các địa phương thực hiện.

Từ những phân tích trên, đồng chí Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam chính là điều kiện thuận lợi để các tôn giáo một lần nữa khẳng định và phát huy tốt hơn vai trò của mình trong quá trình gắn bó, đồng hành cùng dân tộc chung tay xây dựng và phát triển đất nước./

An Luých