Đảng trong lòng đồng bào Công giáo: “Cầu nối” giữ mối đoàn kết lương - giáo

(Mặt trận) -Đồng bào Công giáo (CG) là bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn đồng hành, sát cánh và dành sự quan tâm đặc biệt đối với các hoạt động của tổ chức CG. Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Nguyễn Chí Linh từng chia sẻ: “Đồng bào theo Công giáo luôn một lòng tin yêu, đặt kỳ vọng vào các cấp ủy, chính quyền địa phương, vào tổ chức đảng, hướng đến mục tiêu: Người Công giáo tốt chính là người công dân tốt”...

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng hoa chúc mừng Tòa Tổng Giáo phận Huế nhân dịp Giáng sinh

Khó có thể khắc họa hết những việc làm ý nghĩa từ cơ sở, nhưng câu chuyện chúng tôi kể về những bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố (TDP), trưởng thôn, trưởng công tác mặt trận là người CG dưới đây như “lát cắt” điển hình trong việc tạo niềm tin cho giáo dân trong cuộc sống.

Tận tụy vì dân

Những ngày tháng 8 lịch sử, Trưởng thôn Thanh Hương Lâm Nguyễn Hùng dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng thôn, xóm của người dân có đạo ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền). Bản thân ông Hùng cũng là giáo dân như 200 hộ dân nơi đây.

Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay khắp tuyến đường, ngõ xóm. Điều ấy dù nhỏ, nhưng đối với ông Hùng là niềm tự hào lớn. Ông bảo, trước đây, việc treo cờ Tổ quốc vào các dịp lễ trọng của quê hương, đất nước tại thôn Thanh Hương Lâm chưa đồng đều. Có nhà treo cờ, có nhà thì không. Nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng ông Hùng cho rằng, việc tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương đôi lúc còn thiếu sâu sát, dẫn đến sự đồng tình của người dân không cao.

 Đảng viên người Công giáo Lê Quang Phụng, Thôn đội trưởng dân quân tự vệ Thanh Hương Tây (ngoài cùng bên phải) trao đổi thông tin với Thường trực Đảng ủy xã Điền Hương

Lời giải cho “bài toán” như thế nào? Ông Hùng nói gọn: Đó là việc kết nối đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn với dân, đặc biệt là giáo dân, từ đó tạo ra nhịp cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”.

“Khi cấp ủy, chính quyền địa phương cùng phối hợp với hệ thống chính trị, công an chính quy thường xuyên về với bà con giáo dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thì nhận được sự đồng thuận cao từ giáo dân. Hiện 100% gia đình CG ở thôn Thanh Hương Lâm đã treo cờ Tổ quốc mỗi khi dịp lễ trọng của Đảng, của quê hương đất nước”, ông Hùng chia sẻ.

Câu chuyện “Ông Niên tóc bạc” giúp chúng tôi hình dung về một vị tổ trưởng TDP luôn tận tụy vì dân - ở khu vực là nơi sinh sống đa số đồng bào CG. “Ông Niên tóc bạc” là cách người dân TDP 16 phường Phước Vĩnh (TP. Huế) thường gọi, ông còn một biệt danh khác là “Ông Niên TDP”. “Người dân gọi tui như thế một là do tóc tui bạc trắng, hai là tui đã làm TDP quá lâu năm”, ông Niên cười hiền.

Ông niên bén duyên với “chức” tổ trưởng TDP sau ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng. Năm 1976, ông được dân tín nhiệm, rồi liên tục được tin yêu, trân quý “giao” trọng trách này. “Không phải tui tham quyền cố vị, mà mình làm cái gì cũng vì dân, vì trách nhiệm, nên dân tin yêu. Thế thôi!”, ông Niên nói.

Suốt câu chuyện, lúc nào ông Niên cũng nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cũng là bài học đi suốt cuộc đời mà ông đã chọn. Trải qua hàng chục năm giữ cương vị tổ trưởng TDP, ông Niên thừa hiểu cuộc sống người dân cần gì. Đến với dân, ông “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, đó là cách để ông cổ vũ người dân tự vươn lên.

“Ông hay lân la với những người lao động nghèo, động viên chúng tôi phải biết vượt qua khó khăn. Ông hay nói với những người đạp xích lô, chạy xe thồ rằng, nghề gì cũng phải cố gắng, tuy có vất vả đôi chút, nhưng nếu biết cách thì sẽ vượt qua. Vì thế ai cũng trân quý ông”, ông Nguyễn Sỹ, một người đạp xích lô trò chuyện.

Bây giờ, ông Niên không còn giữ cương vị tổ trưởng TDP bởi tuổi cao, sức yếu nhưng Bí thư Đảng ủy phường Phước Vĩnh - Nguyễn Như Hòa bảo: “Ông mãi là trung tâm giữ vững mối đoàn kết lương - giáo trong phường. Trải quả nhiều cương vị được “người dân” giao phó như: Tổ trưởng TDP, đại biểu HĐND phường Phước Vĩnh; thành viên Ban bảo vệ TDP khu vực 6; Trưởng ban Điều hành “Liên kết vùng giáo thanh bình” phường, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và là Ủy viên Ủy ban Đoàn kết CG Việt Nam; Thư ký Hội đồng cố vấn Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam, cương vị nào ông cũng hoàn thành”.

Lan tỏa những giá trị nhân văn

Dịp 7/11/2023 tới (Cách mạng Tháng 10 Nga), đảng viên, Giuse Nguyễn Văn Thiện, trú tại TDP 11, phường Phước Vĩnh (TP. Huế) vinh dự nhận Huy hiệu “45 năm tuổi Đảng”.

“45 năm qua, tôi đã làm gì cho Đảng?”. Câu hỏi ấy luôn thường trực trong tâm khảm của Giuse Nguyễn Văn Thiện. Và chính ông cũng tự trả lời bằng việc giữ vững quan điểm, lập trường, vai trò, trách nhiệm của một người đảng viên. Còn với Chúa, ông mãi là người giáo dân, con chiên hiếu đạo.

 Bất cứ cương vị nào ông Nguyễn Ngọc Từ (bên trái), xã Vinh Xuân(Phú Vang) cũng luôn tạo mối đoàn kết, cởi mở và đồng thuận

Câu chuyện của Giuse Nguyễn Văn Thiện làm chúng tôi nhớ tới lời của Trung tá Nguyễn Văn Định, Trưởng Công an xã Điền Hương (Phong Điền): “Hàng trăm giáo dân ở thôn Thanh Hương Lâm và Thanh Hương Tây, xã Điền Hương đã tích cực tham gia vào mô hình “Vùng giáo an toàn về an ninh trật tự”. Với sự đồng thuận của các chức sắc, chức việc và giáo dân, mô hình này ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, nhiều giáo dân trở thành điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Bí thư Đảng ủy xã Điền Hương – Trần Gia Truyền chia sẻ: “Điền Hương là xã bãi ngang ven biển, có hơn 92% đồng bào có đạo; trong đó, có gần 2.000 tín đồ là người Thiên Chúa giáo (chiếm gần 57% dân số của xã và là xã có số đồng bào theo đạo nhiều nhất của huyện Phong Điền). Đảng bộ xã hiện có 82 đảng viên, sinh hoạt ở 9 chi bộ trực thuộc. Xã có 4 đơn vị hành chính, nhưng có thôn Thanh Hương Lâm 100% đồng bào CG. Các thôn còn lại có từ 60 đến 70% người đồng bào theo đạo”.

Giáo dân Nguyễn Hùng, trú tại thôn Thanh Hương Lâm cho biết, thôn có hơn 200 hộ dân, nhưng có đến 100% người dân theo đạo Thiên Chúa giáo. Vì quyền lợi và trách nhiệm chung, người CG luôn đồng tình, ủng hộ cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phường Phước Vĩnh cũng nơi có hơn 60% đồng bào có đạo. Đây là một trong những địa phương của TP. Huế có số lượng đảng viên đông, với 710 đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ đảng. “Lương - giáo đoàn kết, nên mọi việc dù khó thành dễ. Hiện, trên địa bàn phường có không ít tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố là đảng viên. Các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của phường, của TP. Huế đều được đội ngũ này “làm cầu nối” liên kết lương - giáo trong các phong trào chung tại địa phương”, giáo dân Hồ Văn Mạnh, Tổ trưởng TDP 9, phường Phước Vĩnh (TP. Huế) phấn khởi.

Không chỉ địa bàn TP. Huế, xã Điền Hương (Phong Điền)… mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đội ngũ bí thư các chi bộ, trưởng thôn, TDP, trưởng ban công tác mặt trận là “cánh tay nối dài” của cấp ủy và chính quyền địa phương. Qua thực tiễn ở cơ sở, có rất nhiều tấm gương là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu nhiệt tình, năng động sáng tạo, sâu sát với từng hộ gia đình, động viên Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

ANH PHONG