Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường là nhu cầu tất yếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tuyên truyền nâng cao sức khỏe, vệ sinh môi trường

Thực tế cho thấy, tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn. Cùng với đó, nhiều nơi còn tồn tại phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Đơn cử như tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông; nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn; tình trạng hố xí tạm bợ, thậm chí phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn xảy ra… là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

 Nước sạch rất quan trọng trong đảm bảo sức khỏe cộng đồng

Trong khi đó, nhận thức và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có Quyết định số 6847/QĐ-BYT phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, với sự vào cuộc quyết liệt của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các địa phương trên cả nước đã ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tập trung nguồn lực cấp nước sạch

Từ năm 2021, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ dịch vụ công trên toàn quốc, gồm: Thu thập số liệu thống kê và cập nhật cơ sở dữ liệu về cấp nước sạch nông thôn; Khảo sát, đánh giá việc quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước tập trung nông thôn; Đánh giá tình hình thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Giai đoạn 2021 - 2025, BộNN&PTNT đã thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên; đề xuất Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, vay vốn Ngân hàng Thế giới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Để góp phần phát triển bền vững công tác nước sạch nông thôn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương hoàn thiện Báo cáo thực trạng công tác nước sạch nông thôn trên địa bàn; bố trí kinh phí thực hiện Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới theo quy định; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác; phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Phương Anh