Đại đoàn kết dân tộc vì một Việt Nam hùng cường

(Mặt trận) -Không có gì có thể cản bước đi của một dân tộc có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước

Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; phân tích sâu sắc những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc; cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  

Lịch sử đã chứng minh đoàn kết là sức mạnh

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh, lịch sử đất nước ta đã chứng minh, đoàn kết là sức mạnh. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã nhiều lần phải đem sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn rất nhiều lần và cuối cùng chúng ta luôn chiến thắng. Chiến thắng ấy không phải là chiến thắng của vũ khí, của kinh tế, mà là chiến thắng của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối với người Việt Nam, giờ đây đất nước đã có hòa bình, thống nhất và phát triển mạnh mẽ, đã trở thành đối tác đáng tin cậy của hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam đang là nước được cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Một đất nước từng bước ổn định, xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, người khó khăn vẫn tiếp tục được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời, đất nước ấy phải là bến đỗ lâu dài cho các nhà đầu tư.

Sự phát triển của Việt Nam được cả thế giới công nhận. Và không có gì có thể cản bước đi của một dân tộc có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, trong suốt chặng đường lịch sử 93 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn đổi mới đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, hướng tới mục tiêu giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia và ổn định xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, nền dân chủ ngày càng phát triển, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng quan trọng, nhiệm vụ càng nặng nề hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp ngày càng rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương và ổn định xã hội, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.

Hơn lúc nào hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, có những tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu; nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện khó kiểm soát; sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí cùng với những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội... Những điều đó làm kìm hãm, cản trở sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Trước bối cảnh đó, TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định việc tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Do vậy, việc nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của đất nước.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở phải đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, để thực hiện nhiệm vụ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc.

Phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tăng cường, mở rộng đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 hơn lúc nào hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh đoàn kết của bạn bè quốc tế. Và đã là người Việt Nam yêu nước, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù có chính kiến ra sao, đều nên thể hiện tinh thần vì dân, vì nước mà siết chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng", TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ.