(Mặt trận) -Nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế... nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở biên giới.
|
Ấp Tầm Phô thuộc xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh). |
Điển hình là sự thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần của hơn 200 hộ đồng bào Khmer ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu tiếp giáp với biên giới Campuchia.
Nhắc đến ấp Tầm Phô, không thể không nhắc đến Trưởng ấp Chum Chòm Ran, ông là người Khmer uy tín được người dân địa phương tin tưởng nhất trong vùng. Suốt nhiều năm qua, ông Chum Chòm Ran luôn được bà con quý mến, tín nhiệm. Bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ông Chum Chòm Ran cho biết, hơn 10 năm trước, đời sống người dân ấp Tầm Phô rất khó khăn, thiếu thốn về vật chất và cơ sở hạ tầng. Đến nay, cuộc sống mới của bà con dân tộc Khmer đã thực sự thay da đổi thịt, kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định, vững chắc. Người dân ấp Tầm Phô phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp như trồng mía, sắn. Nhiều hộ hiện đã thoát nghèo, năm 2022, thu nhập bình quân của các hộ trong thôn đạt từ 200-250 triệu đồng/năm...
Gia đình ông Van Na Nắc là một trong những hộ Khmer làm giàu bằng nông nghiệp được nhiều người biết đến ở ấp Tầm Phô. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, biết tận dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng mía, ông Van Na Nắc đã mở rộng canh tác được hơn 12 ha cây mía, thu nhập ổn định, đóng góp vào nhiều phong trào của địa phương.
Ông Van Na Nắc chia sẻ: “Các cấp chính quyền, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nên bà con ở ấp Tầm Phô đều an tâm sản xuất, trồng trọt, dành dụm. Nhờ đó, cuộc sống của bà con ai cũng khá hơn”. Trân trọng những thành quả từ sự nỗ lực của bản thân, gia đình và sự hỗ trợ của chính quyền, ông Van Na Nắc dành riêng một góc trong ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang của mình để treo nhiều giấy khen, thư cảm ơn, giấy tuyên dương, giấy chứng nhận gia đình văn hóa của gia đình.
|
Giờ học tiếng Khmer của trẻ em ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh). |
Ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tầm Phô - cho biết, ngoài được đầu tư điện, đường, trường, trạm bài bản thì công tác đảm bảo an ninh, chính trị ở địa phương luôn được các ngành, các cấp chú trọng. Từ lâu, trong ấp không còn tình trạng trộm cắp, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến lớp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, nhiều gia đình khó khăn vẫn cố gắng cho con ra thành phố Tây Ninh học tiếp tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú. Đời sống văn hóa tinh thần bà con khá hơn hẳn những năm trước.
Ấp Tầm Phô hiện mang một diện mạo mới, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân khá lên từng ngày. Nhiều căn nhà sàn truyền thống khang trang mọc lên dọc theo con đường nhựa thẳng tắp từ xã vào tận các phum. Nhiều hộ khá lên, sắm xe máy, máy cày và có cả ô tô.
Tại Nhà văn hóa ấp Tầm Phô, nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con, những ngày hè này, lớp dạy tiếng Khmer miễn phí do thầy Danh Con phụ trách vang tiếng ê a con chữ mỗi ngày. Hơn 30 học sinh cấp Tiểu học trong vùng được vận động đến lớp, nhờ đó những buổi lên lớp của thầy Danh Con đều đầy ắp học sinh. Nhiều năm nay, nhờ lớp học của thầy, tất cả trẻ con ấp Tầm Phô lớn lên đều biết chữ Khmer, góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
Thầy Danh Con cho biết, tận dụng 3 tháng hè học sinh nghỉ học ở nhà, thầy tranh thủ mở lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho các em. Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy tiếng Khmer ở huyện Tân Châu, thầy Danh Con chứng kiến nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, quay trở về địa phương công tác, góp phần rất lớn làm thay đổi diện mạo cho ấp Tầm Phô như ngày nay.
Thực tế từ nhiều năm qua, UBND huyện Tân Châu đã triển khai nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, lao động việc làm, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
TTXVN