Công tác tập hợp, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tam Đảo

(Mặt trận) -Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một huyện miền núi có 09 đơn vị hành chính gồm 6 xã, 3 thị trấn, dân số trên 84 nghìn người trong đó đồng bào thiểu số chiếm 44%, phần lớn là người Sán Dìu và chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp với trình độ của lực lượng lao động còn thấp, không đồng đều, sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm. Điểm xuất phát về kinh tế xã hội thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thu nhập và đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn cao 3,33%. Nhưng với đặc điểm sống xen cư hòa thuận giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào kinh luôn có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư tạo nên sự đoàn kết gắn bó bền vững từ lâu đời.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Cánh đồng trồng rau susu thôn Làng Hà xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Với lợi thế huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có bản sắc riêng đặc sắc. Để nhằm tập hợp và phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, khai thác tiềm năng, các cấp uỷ đảng trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện tốt công tác dân vận, kịp thời chuyển tải nội dung thực hiện chính sách dân tộc đến cán bộ, đảng viên, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc, nhằm nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân. Theo đó, các chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi được thực hiện có hiệu quả. Huyện đã phát huy tốt vai trò của lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm và những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời. Tổ chức vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Trước hết tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện  tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Chính quyền địa phương đã chủ động vận động nhân dân phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cây con, mùa vụ. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề kinh doanh dịch vụ tổng hợp, kinh tế trang trại, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm nhằm tận dụng, khai thác mọi khả năng điều kiện có thể phát triển kinh tế, nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống của đồng bào. Nổi bật là mô hình vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi tăng thu nhập trên diện tích canh tác. Với mô hình “vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao đời sống”  đảng ủy các xã, thị trấn đã có nghị quyết riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng như: Đảng ủy xã Hồ Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề, quy hoạch vùng phát triển sản xuất hàng hóa rau su su an toàn theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn Việt Nam tại thôn Làng Hà, nơi có trên 90% số hộ đồng bào Sán Dìu sinh sống đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng chục triệu đồng/sào. Đảng ủy xã Đạo Trù đã quy hoạch vùng phát triển sản xuất hàng hóa ớt và cây dược liệu...

Trong những năm qua Huyện ủy - HĐND – UBND huyện Tam Đảo đã xác định để công tác tập hợp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ổn định và nâng cao đời sống thì trước hết phải triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã cấp 06 tấn lúa giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật cho các hộ nghèo và cận nghèo với tổng mức kinh phí là 150 triệu đồng. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã đầu tư 06 công trình với tổng mức kinh phí đầu tư 3.600 triệu đồng vào công trình đường giao thông nông, công trình nhà lớp học, nhà văn hóa thôn. Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg đã đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung 25 công trình. Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn cho 151 hộ nghèo với số tiền là 44,4 triệu đồng. Thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn với 431,6 triệu đồng cho 332 hộ nghèo. Thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đươc 15.839 tờ báo, tạp chí góp phần nâng cao trình độ dân trí và đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Hằng năm, bầu chọn lại 49 người  có uy tín trong đồng bào các DTTS. Phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt thường niên, cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, tham quan học tập cho 49 đại biểu người có uy tín, các chế độ, chính sách của người có uy tín được quan tâm kịp thời; vai trò của người uy tín ngày càng được phát huy góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi. Thực hiện tốt Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012 - 2015. Thực hiện tốt Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 09/3/2016 của UBND huyện Tam Đảo về thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tam Đảo giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I) và chính sách khám, chữa bệnh miễn phí và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 43/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2016 đến nay, có hơn 19.927 người DTTS ở các xã khó khăn và người DTTS nghèo được cấp miễn phí thẻ BHYT.  690 người DTTS  đến các cơ sở y tế trong huyện khám chữa bệnh BHYT đã được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại với tổng số tiền là 182.109.562 triệu đồng.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc thiểu số như hát Sọong cô cùng với phục hồi và phát triển các lễ hội của đồng bào Sán Dìu. Từ năm 2016 đến nay huyện đã đưa nội dung phát huy các giá văn hóa  truyền thống, bản sắc dân tộc thiểu số trở thành nội dung trong lễ hội Tây Thiên hằng năm của huyện. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở các xã có đồng bào dân tộc không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, hướng về thôn dân cư, bám địa bàn xây dựng phong trào, đẩy mạnh kết nạp hội viên, đoàn viên, kiện toàn tổ chức vững mạnh, tỷ lệ tập hợp đoàn viên hội viên ngày càng tăng. Đoàn viên thanh niên là người dân tộc chiếm 20,5%; Hội viên hội LHPN chiếm 36,5%; Hội viên Cựu chiến binh chiếm 34,6%; hội viên Hội Nông dân chiếm 40,3 %; đoàn viên công đoàn chiếm 1,8 % là người dân tộc thiểu số. Toàn huyện hiện có 49 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Từ những kết quả vận động đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đảo rút ra một số kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới cần phải bố trí đầy đủ đảm bảo cơ cấu, số lượng Đại biểu HĐND cũng như công tác cán bộ của dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành. Về kinh tế cần phải giải quyết yêu cầu nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trong vùng dân tộc và tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế đảm bảo lợi ích thiết thân của đồng bào thiểu số gắn liền với lợi ích chung của đất nước. Có như vậy mới đảm bảo đưa sự nghiệp xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc đạt kết quả tốt và bền vững. Về văn hoá xã hội cần bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào, đặc biệt là đưa các giá trị, các nhu cầu văn hoá mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tới cho đồng bào hưởng thụ ngày càng nhiều, công tác giáo dục đào tạo, chăm lo sức khoẻ ở vùng đồng bào cần được quan tâm và chất lượng ngày càng cao hơn. Tạo nhiều nguồn lực tương trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh các phong trào cách mạng trong quần chúng, xây dựng các làng văn hoá, nông thôn mới cần nghiên cứu tổ chức, tuyên truyền thực hiện cho phù hợp với từng đối tượng trong từng dân tộc./.

Tạ Văn Trần- UV BTV Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Tam Đảo