Chuyển biến ở các xã vùng DTTS ở tỉnh Quảng Ninh

(Mặt trận) -Quảng Ninh hiện có 162.531 người là dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Dao đông nhất với 73.589 người. Trước đây, người Dao có thói quen sinh sống ở những núi, đồi cao, nhà nhà cách nhau rất xa. Cùng với đó, thời bấy giờ, tập quán sản xuất của người Dao còn lạc hậu... do đó kinh tế rất khó khăn. Nhưng giờ đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người dân vùng DTTS, trong đó có dân tộc Dao đã thay đổi trông thấy.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Mới chỉ 1 năm quay trở lại, cuộc sống của bà con ở xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà đã có nhiều đổi mới. Đây là xã vùng cao với 98% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những ngôi nhà mới được xây dựng nhiều hơn; đường làng, ngõ xóm cũng sạch sẽ... Mừng nhất là số hộ nghèo ở xã giảm mạnh, dự kiến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM ở xã chỉ còn 1,45% (14 hộ).

 Người dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà thu hoạch ngô để phục vụ cho chăn nuôi trên địa bàn.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Mạnh Hùng, ngay từ đầu năm 2022, huyện đã phân công cho cán bộ, viên chức của xã, các thành viên trong Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Quảng Sơn bám sát các hộ dân để nắm tình hình đời sống của bà con, cùng giúp bà con áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Xã còn vận động nhân dân, các đoàn viên, hội viên tham gia phong trào, mỗi đoàn thể nhận từ 1-2 nội dung cụ thể: Hội Nông dân vận động giúp đỡ các hội viên sản xuất giỏi, nâng cao thu nhập; Đoàn Thanh niên thực hiện vệ sinh môi trường; Hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh phát động phong trào “thắp sáng đường quê”... Năm 2022, xã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện hỗ trợ 11 gia đình khó khăn về nhà ở xây mới nhà ở. Hiện, 100% đường liên thôn nơi đây được bê tông hóa, các hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa... đều đảm bảo. Đời sống của người dân khấm khá hơn, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hơn 90%.

Không chỉ ở Quảng Sơn mà cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Quảng Ninh đã có sự chuyển biến rõ nét. Ông Trạc A Thìn, bản Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, cho biết: Nhờ xã vận động tuyên truyền và hướng dẫn áp dụng các mô hình mới vào sản xuất mà đời sống của bà con tốt hơn. Riêng gia đình tôi đầu tư trồng rừng, tập trung vào cây quế, cây hồi cho thu nhập ổn định.

Có thể thấy rõ, sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh đối với xã, thôn vùng đồng bào DTTS đã đưa kết cấu hạ tầng nơi đây ngày càng khang trang. Đến nay, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình thủy lợi ở cả 53 xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đều được kiên cố hóa; kênh cấp 3 và kênh nội đồng cũng được kiên cố hóa với số lượng đáng kể. Hệ thống thủy lợi hàng năm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường trục xã, liên thôn đều được bê tông hóa. Điều này đã góp phần quan trọng cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa mà người dân sản xuất ra. Hầu hết hộ đồng bào DTTS đã có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, 100% số xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi còn 11,85%. Con em vùng đồng bào DTTS được học trong những ngôi trường khang trang, sạch, đẹp... 99,86% dân số nông thôn, trong đó có người dân vùng DTTS trên địa bàn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 Mô hình trồng cam ở xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà cho thu nhập cao.

Các địa phương còn chú trọng vận động người dân, cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, đoàn thể chung tay vào cuộc hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS xóa nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2022, qua nguồn đóng góp này đã giúp tỉnh cơ bản giải quyết dứt điểm số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.

Đồng thời, các địa phương cũng chú trọng việc nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp ở vùng đồng bào DTTS, đưa bà con đi tham quan những mô hình hiệu quả; vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ bà con về kỹ thuật, giống... từ đó nâng cao mức sống cho người dân. Đến nay, các địa phương này đều có những chương trình hỗ trợ phù hợp, được bà con tin tưởng, đánh giá cao.

Sự nỗ lực của tỉnh, các địa phương, sự đồng lòng, hưởng ứng của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Dự kiến hết năm 2022, chỉ còn khoảng 900 hộ DTTS thuộc diện nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS của tỉnh đạt khoảng 52,5 triệu đồng/người.

Cầm Khuê